Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
Thứ bảy: 09:30 ngày 08/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 7.4, đoàn giám sát do ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện và Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 tại huyện Gò Dầu, ông Võ Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện cho biết, Gò Dầu đã sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả.

Qua kết quả thực hiện năm 2011, toàn huyện có 12 cơ quan chuyên môn, 8 xã, 1 thị trấn, 66 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý. Tính đến năm 2016 số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 6 đơn vị sự nghiệp so với năm 2011.

Ông Võ Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu báo cáo với đoàn giám sát về tình hình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn huyện.

Việc thực hiện quản lý biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị đúng theo chỉ tiêu được phân bổ và theo chức năng nhiệm vụ, không tăng biên chế. Kết quả năm 2011, số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao là 1.672 biên chế, đến năm 2016 huyện được giao 1.553 biên chế, đã giảm 119 biên chế. Trong giai đoạn 2011 - 2016 huyện đã xây dựng 2 Đề án tinh giảm biên chế, 2 Đề án vị trí việc làm theo hướng dẫn ngành cấp trên.

Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo đúng quy trình cụ thể, đúng thẩm quyền được phân cấp và đảm bảo thời gian theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Dũng, việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức ở một số cơ quan chuyên môn vẫn chưa đúng vị trí việc làm. Việc chuyển đồi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện triệt để; cán bộ khối đoàn thể cấp xã còn thiếu chuẩn về chuyên môn...

Lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu kiến nghị, Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện chế độ hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn đối với những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế trong thời gian chờ thi tuyển do công chức nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác khi không có người thay thế kịp thời để thực hiện nhiệm vụ.

Một số chức danh khó chuyển đổi vị trí, vì chức danh đó yêu cầu chuyên môn đặc thù như kế toán hay chức danh ở các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, xây dựng, UBND huyện đề nghị, chỉ nên chuyển đổi các vị trí công tác đặc thù khi có dư luận tiêu cực hay phát sinh vấn đề phức tạp.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Bác sĩ Châu Thị Thanh, đại diện Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu cho biết, trong những năm qua, việc tuyển dụng nhân lực của trung tâm đều thuộc thẩm quyền của Sở Y tế và Sở Nội vụ. Hằng năm, khi có nhu cầu tuyển dụng, Trung tâm Y tế huyện gửi số lượng nhu cầu vị trí việc làm theo chức danh còn thiếu, xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và thực hiện đúng quy trình tuyển dụng theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến năm 2016, Trung tâm Y tế Gò Dầu chỉ mới tuyển được 25 trường hợp. Hiện bộ máy của đơn vị biên chế chỉ có 213/272 biên chế.

Nếu tính theo bệnh viện 150 giường bệnh như Trung tâm Y tế Gò Dầu hiện nay, phải cần đến  48 bác sĩ, nhưng thực tế đơn vị mới chỉ có 28 bác sĩ, tính luôn cả các bác sĩ là lãnh đạo quản lý. Như vậy, đơn vị hiện còn thiếu 20 bác sĩ để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Lãnh đạo Trung tâm Y tế kiến nghị nên rà soát và bổ sung biên chế đủ, vì mỗi năm luôn có biến động về nhân sự như nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, trong khi đó 2-3 năm mới tổ chức thi tuyển viên chức thì không thể đáp ứng đủ nhân lực đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh; xem xét chế độ ưu đãi, và cần tính toán tinh giảm biên chế một cách cụ thể, không nên áp đặt theo hình thức “cào bằng” vì đặc điểm ngành y không giống như những đơn vị sự nghiệp hay cơ quan hành chính khác.

Kết luận buổi làm việc, Ông Huỳnh Thanh Phương đề nghị UBND huyện Gò Dầu cần hoàn chỉnh Đề án vị trí việc làm; khi đánh giá cán bộ, công chức cần có quy chế cụ thể; thực hiện việc thu gọn đầu mối cần phải gắn liền với hiệu quả công việc.

Hoa Lư 

Tin cùng chuyên mục