Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Chiều 17.10, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì buổi làm việc.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo đã có ý kiến về 4 vấn đề hiện tỉnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật có liên quan đến Trung ương để đoàn ĐBQH tổng hợp, có ý kiến với Quốc hội cũng như các bộ, ngành trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc. |
UBND tỉnh kiến nghị, tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ hải sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, nhưng không quy định về khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình Chính phủ quy định khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Tại điểm a, khoản 3, Điều 5 Thông tư số 85/2014/TT-BTC ngày 30/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng về tạm ứng vốn có quy định; Công văn số 1404/BXD-KTXD ngày 24/6/2014 của Bộ Xây dựng về việc tạm ứng hợp đồng xây dựng đối với hợp đồng do người dân tự thực hiện, thì người thực hiện hợp đồng (bên nhận thầu) khi tạm ứng thì phải nộp cho bên giao thầu khoản tiền bảo lãnh tạm ứng hợp đồng tương đương với số tiền tạm ứng.
Đây là một vấn đề hết sức khó khăn cho người dân khi tham gia hợp đồng nhận khoán trồng và chăm sóc rừng, bởi hầu hết là hộ nghèo, nhờ sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để thực hiện việc giao khoán và chăm sóc rừng trồng, nên không có tiền để nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn không thực hiện nộp tiền bảo lãnh tạm ứng đối với các hộ gia đình khi tham gia hợp đồng trồng và chăm sóc rừng trồng.
Theo quy chế quản lý rừng được ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ có quy định: các Ban quản lý Khu rừng phòng hộ, đặc dụng được thành lập lực lượng chuyên trách; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng cũng có quy định: Chủ rừng có diện tích từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Tuy nhiên, đến nay Bộ NN-PTNT chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn, biên chế, chính sách tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng nên địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức.
Về vốn đầu tư cho thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí hỗ trợ đủ vốn, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện hoàn thành Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Lãnh đạo các sở, ngành cũng có nhiều ý kiến kiến nghị về một số Nghị định đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng vẫn không có thông tư hướng dẫn và không có sự liên kết giữa các bộ, ngành dẫn đến tình trạng khó thực thi ở địa phương.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong việc tham gia góp ý kiến, kiến nghị; đồng thời cho biết, Đoàn ĐBQH tiếp thu kiến nghị của đại biểu và xem xét tổng hợp ý kiến để trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Hoa Lư