BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH giám sát các khu KTCK: Hoạt động TM-XNK chưa theo định hướng phục vụ sản xuất trong nước

Cập nhật ngày: 30/09/2011 - 11:55

Ngày 28.9.2011, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức giám sát tình hình xây dựng, phát triển, thực hiện chính sách pháp luật tại các khu kinh tế cửa khẩu Tây Ninh, đoàn đã đi khảo sát tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát, làm việc với UBND tỉnh và Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Tây Ninh.

Đoàn khảo sát tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát

Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tây Ninh được thành lập hai khu kinh tế cửa khẩu: Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có quy mô 21.284 ha và Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát có quy mô 34.197 ha. Đến nay tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 35 nhà đầu tư với 48 dự án, đăng ký sử dụng 1.668,063 ha đất, vốn đăng ký 6.468,542 tỷ đồng và 219,125 triệu USD (40/48 dự án). Hiện có 16 dự án - chủ yếu trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhà ở, gia công may giày xuất khẩu đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng và 70 triệu USD, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 10.173 lao động…; Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát có 15 nhà đầu tư trong nước được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với diện tích 367,6ha, tổng vốn đầu tư 4.278,15 tỷ đồng. Các dự án đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực: kho ngoại quan, kho trung chuyển, sản xuất và gia công hàng XNK, dịch vụ tổng hợp, chợ đường biên, bãi xe. Hiện các chủ đầu tư đang tiến hành công tác lập dự án và phương án bồi thường giải toả.

Về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu: Tổng vốn đầu tư do ngân sách cấp cho cả hai khu kinh tế từ khi thành lập đến nay khoảng 268 tỷ đồng. Trong đó tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là 190 tỷ đồng. Tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát, từ năm 2004 đến nay tỉnh và Trung ương cũng đã cân đối bổ sung theo chương trình hỗ trợ có mục tiêu bằng nguồn vốn ngân sách trên 78 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên do thiếu vốn nên công tác đền bù giải toả tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát gặp khó khăn, tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng có triển khai thực hiện nhưng còn chậm, chưa đồng bộ nên chưa kích thích phát triển cũng như tạo ra lực hấp dẫn thu hút đầu tư.

Về hoạt động kinh doanh thương mại: Hiện toàn khu phi thuế quan thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có 48 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại với 3 siêu thị lớn, 2 siêu thị nhỏ, còn lại là các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế; hoạt động thương mại tại Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát tập trung chủ yếu là xuất nhập khẩu hàng hoá, còn thương mại và dịch vụ tại chỗ chưa phát triển nhiều.

Qua giám sát, đoàn nhận thấy việc hình thành các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế biên mậu và giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia, đặc biệt tại Mộc Bài đã có những tác động lan toả như chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với huyện Bến Cầu, xoá đói giảm nghèo, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân, tác động đến quá trình đô thị hoá, khơi dậy tiềm năng và vị thế của tỉnh Tây Ninh trên tuyến biên giới giữa Việt Nam – Campuchia; đã góp phần quan trọng trong cải cách hành chính vì muốn phát triển và quản lý theo cơ chế đặc thù đòi hỏi phải có tổ chức bộ máy quản lý phù hợp, sự phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương được cụ thể hơn trong quản lý. Việc điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan đến tổ chức quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất vừa qua cũng là kết quả đóng góp của quá trình xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, nhất là các khu kinh tế cửa khẩu có chính sách đặc thù như Mộc Bài; đặc biệt đã góp phần củng cố gia tăng tiềm lực kinh tế quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới, cũng như quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng thuộc Vương quốc Campuchia.

Đồng chí Lê Minh Trọng phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc hình thành các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của khu kinh tế cửa khẩu còn tự phát, có tính thời vụ, chưa theo định hướng phát triển và phục vụ sản xuất trong nước, quy mô còn nhỏ bé, mặt hàng còn manh mún, phương thức thanh toán chưa đảm bảo an toàn cho kinh doanh; các dịch vụ thương mại, du lịch, thông quan còn yếu, gian lận thương mại còn nhiều, công tác tổ chức quản lý còn bất cập; năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước thấp; cơ chế chính sách phát triển chưa được điều chỉnh kịp thời và thiếu nhất quán đã gây tác động không tốt đến hình ảnh phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát (về chính sách ưu đãi); việc sáp nhập các Ban Quản lý khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thành Ban Quản lý Khu Kinh tế Tây Ninh phát sinh nhiều bất cập; hạ tầng chưa được kết nối giữa hai tỉnh giáp biên, gây khó khăn trong phát triển giao lưu thương mại… Các văn bản QPPL liên quan đến khu kinh tế cửa khẩu chưa được kịp thời và thống nhất cũng gây khó khăn cho hoạt động của khu kinh tế.

Từ những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến khu kinh tế cửa khẩu, Đoàn giám sát đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh có kiến nghị cụ thể hơn về những khó khăn, vướng mắc để Đoàn ĐBQH kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét lại quy mô quy hoạch của Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát, quy hoạch nhiều nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu để có sự điều chỉnh cho phù hợp hoặc xây dựng đề án tài chính khả thi hơn; cần tính toán thêm nhu cầu giao thương, mua bán của phía bên bạn để tránh tình trạng bên ta đầu tư xây dựng nhiều nhưng nhu cầu trao đổi mua bán của bên bạn lại không cao; đánh giá quá trình đầu tư, chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc thực hiện các dự án ở các khu kinh tế.

Kim Chi