Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH góp ý Luật thi hành án hình sự: Quy định trong Luật cần xây dựng theo hướng nghiêm minh và nhân đạo
Thứ hai: 05:51 ngày 12/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7- Quốc hội khoá XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh vừa họp Đoàn đóng góp ý kiến đối với dự án Luật thi hành án hình sự.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7- Quốc hội khoá XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh vừa họp Đoàn đóng góp ý kiến đối với dự án Luật thi hành án hình sự. Các đại biểu cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo luật, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề như:

Phạm vi điều chỉnh của Luật nên bao gồm cả việc thi hành các biện pháp tư pháp (bao gồm việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án về hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án treo; các biện pháp tư pháp do Toà án và Viện Kiểm sát quyết định để Quốc hội xem xét, quyết định). Về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án hình sự, các đại biểu nhất trí quy định giao cho Bộ Công an giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự; hệ thống cơ quan, tổ chức thi hành án hình sự gồm cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Việc giám sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ giao UBND cấp xã giám sát mà không giao cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ để UBND xã thực hiện tốt công tác này về biên chế, cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Trại tạm giam trong công tác thi hành án hình sự, các đại biểu thống nhất tỷ lệ để lại số phạm nhân chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam là15%. Có ý kiến đề nghị không được giam chung người bị tạm giam chưa có án với người đang chấp hành hình phạt tù; cần xem xét lại quy mô, kích thước của trại giam, trại tạm giam và vấn đề vệ sinh để bảo vệ sức khoẻ cho phạm nhân. Về chế độ lao động đối với phạm nhân, các đại biểu thống nhất cần cân nhắc quy định về thời gian lao động 8 giờ/ngày của phạm nhân, vì phạm nhân cần có nhiều thời gian hơn cho học tập, đồng thời cần quy định cụ thể các quyền lợi mà phạm nhân được hưởng từ kết quả lao động, cân nhắc quy định phân loại lao động cho phù hợp với các đối tượng phạm nhân; cần tính toán đến điều kiện sức khoẻ phạm nhân, không nên quy định chung, có phân loại lao động.

Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất là hình thức thi hành án tử hình. Đa số đại biểu thống nhất phương án 2 quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Và để có thời gian chuẩn bị, Luật quy định việc thực hiện hình thức này ít nhất sau một năm kể từ ngày Luật có hiệu lực. Trong thời gian chưa áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, việc thi hành án tử hình vẫn được thực hiện bằng hình thức xử bắn theo quy định hiện hành. Có ý kiến đề nghị hình thức tử hình là tiêm thuốc độc, nhưng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mới áp dụng hình thức tử hình. Đáng chú ý, các đại biểu thống nhất đề nghị trước mắt không nên quy định việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành án tử hình, vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, thực tế khó khả thi. Về việc giải quyết cho nhận thi hài, hài cốt, tro cốt của người bị thi hành án tử hình, các đại biểu thống nhất đề nghị không quy định việc cho nhận thi hài mà chỉ cho nhận hài cốt, vì việc này liên quan đến yếu tố chính trị, an ninh, trật tự xã hội và do việc thi hành án tử hình hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc bí mật nên không thể cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chấp hành án tử hình được nhận thi hài. Đồng thời, để bảo đảm vệ sinh môi trường và phù hợp với phong tục tập quán, việc cho nhận hài cốt chỉ được thực hiện sau thời gian 3 năm, kể từ ngày mai táng.

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề về: Về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án dân sự; Về nhiệm vụ, quyền hạn và tên gọi của cơ quan thi hành án hình sự; Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong thi hành án hình sự; Về trách nhiệm của Toà án trong thi hành án hình sự; Về thủ tục hoãn; tạm đình chỉ; miễn, giảm chấp hành án; Về chế độ quản lý phạm nhân; Về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, sinh đẻ, nuôi con nhỏ; Về chế độ ăn, mặc đối với phạm nhân; Về chế độ học văn hoá, học nghề đối với phạm nhân; Chế độ thăm gặp, sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao; Về chế độ đối với phạm nhân là người chưa thành niên; Về việc thông báo kết quả chấp hành án và huy động sự tham gia của gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục phạm nhân...

Kim Chi

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục