Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Chiều ngày 3.3.2014, tại hội trường HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành đối với dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh Lê Minh Trọng chủ trì hội nghị.
|
Trưởng đoàn ĐBQH Lê Minh Trọng chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhiệt tình và thẳng thắn nêu ý kiến đóng góp của mình đối với Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ). Bà Nguyễn Thị Thu Phượng- đại diện Cục Thi hành án tỉnh ủng hộ việc thay đổi độ tuổi kết hôn vì cho rằng hiện nay cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn, nên nam, nữ đều phát triển nhanh hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, bà Phượng không đồng ý với việc thừa nhận hôn nhân đồng giới tính, và không nên đưa việc giải quyết hậu quả của hôn nhân đồng giới vào Luật HN&GĐ. “Những người đồng giới sống chung, không được công nhận hôn nhân, vì vậy nếu giữa họ có xảy ra tranh chấp tài sản, thì giải quyết theo Luật Dân sự. Tài sản của ai tự lấy về”, bà Phượng nói.
Ông Vương Văn Trợ- đại diện Sở Tư pháp cho rằng nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật HN&GĐ hiện nay là nam từ 20 tuổi, nữ 18 tuổi: “Lý do là hiện nay, cuộc sống khó khăn, ngày càng có nhiều vụ ly hôn trẻ”. Đồng thời ông Trợ quan tâm đến việc bổ sung chế định ly hôn bởi: “Trên thực tế, tình trạng vợ chồng sống ly thân đã xảy ra nhiều, nên cần tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mỗi người”.
Ông Ngô Văn Hải- đại diện Viện Kiểm sát Tây Ninh cũng đồng tình với quan điểm nên giữ ổn định độ tuổi kết hôn, nam từ 20 tuổi, nữ 18 tuổi trở lên như Luật HN&GĐ hiện hành. “Thể chất người Việt Nam chưa phát triển, kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng tới xã hội”, ông Hải lập luận.
Ông cũng không đồng ý thừa nhận hôn nhân đồng giới: “Vì đó chỉ là số ít”. Ông cũng đề nghị không đưa chế định ly thân bổ sung vào Luật HN&GĐ vì: “Hiện nay, mỗi năm tỉnh thụ lý mười một, mười hai ngàn vụ việc. Thêm quy định về ly thân nữa chắc không giải quyết nổi”.
Bà Nguyễn Thị Liên- đại diện TAND Tây Ninh quan tâm đến vấn đề mang thai hộ: “Cơ sở nào xác định là mang thai vì mục đích nhân đạo? Đây là vấn đề rất phức tạp, cần phải nghiên cứu thêm”. Về góc độ pháp luật, bà Liên cho rằng quy định nam từ 20 tuổi, nữ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn như Luật HN&GĐ hiện nay là không đồng bộ với Luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới.
Bà Trần Thị Thu Hồng- đại diện Sở Ngoại vụ thì tán thành đưa việc mang thai hộ vào Luật HN&GĐ. Bà Hồng lập luận: “Có nhiều phụ nữ, cần có con, nhưng vì lý do nào đó họ không sinh con được, nhờ chị em hỗ trợ lẫn nhau là việc nên làm”.
Ngoài ra, tại hội nghị còn nhiều ý kiến như: một số quy định mới cần được cụ thể hoá để tránh chồng chéo, hoặc mâu thuẫn với các quy định của luật khác, như quy định về việc con riêng của vợ hoặc của chồng được thừa kế di sản của nhau theo quy định của Bộ luật Dân sự; quy định như thế nào là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; bổ sung quy định về xác định yếu tố lỗi làm căn cứ phân chia tài sản vợ chồng...
Kết luận hội nghị, ông Lê Minh Trọng đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trước khi trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII.
Đại Dương