BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: An toàn thực phẩm, cần quản lý chặt từ trang trại đến bàn ăn

Cập nhật ngày: 23/11/2009 - 06:14

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu tại buổi thảo luận dự án Luật An toàn thực phẩm.

Ngày 23.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Đình Xuân và đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) có ý kiến phát biểu nhận định, nội dung dự án Luật được chuẩn bị tốt, đầy đủ luận cứ và thực tiễn chứng minh cho sự cần thiết, cấp bách và phải ban hành Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên các đại biểu còn băn khoăn, đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề trong nội dung dự án Luật.

Dự án Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu, đây là dự án Luật mà cử tri cả nước hết sức quan tâm. Về đối tượng điều chỉnh, đại biểu cho rằng Luật không chỉ điều chỉnh sản phẩm đã qua chế biến, mà nên điều chỉnh cả sản phẩm tự nhiên. Về nguyên tắc, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là nội dung quan trọng, nên xem (sản xuất, chế biến thực phẩm) là lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm, vì theo quy định hiện hành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có tới 5 Bộ được giao quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong chuỗi cung cấp thực phẩm, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện an toàn thực phẩm. Thực trạng này bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết như trách nhiệm cơ quan chức năng còn rời rạc, chưa đồng bộ, thường xuyên, chính quyền các cấp chưa vào cuộc  mạnh mẽ, mà chủ yếu giao cho cơ quan an toàn thực phẩm của ngành y tế đảm nhận, trong khi tổ chức bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu…

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai đề nghị giao cho Bộ Y tế chủ trì và chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; rà soát lại các văn bản của Bộ, ngành đã được ban hành để xem xét loại văn bản nào còn hiệu lực. Luật cần phải quy định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá và quy định chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm! Về việc lưu mẫu của các bếp ăn tập thể tại các khu, cụm công nghiệp,… cần có một điều cụ thể quy định vấn đề này! Về lĩnh vực tài chính, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị trong Luật cần có một điều quy định xử phạt nghiêm về hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm; quy định rõ xuất xứ hàng hoá của thực phẩm và có chế tài xử lý đối với người cung cấp hàng hoá không rõ địa chỉ. Luật cần có một điều khoản riêng để quy định tỷ lệ phần trăm (dự toán ngân sách) chi cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, và để tăng cường cho công tác thanh tra, kiểm tra và đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng hệ thống kiểm nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý Nhà nước… đồng thời  phân cấp mạnh cho địa phương. Hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và phân công rõ trách nhiệm giữa Bộ chủ trì, phối hợp giữa các Bộ khác trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng phân công rõ trách nhiệm giữa các Bộ trong các công đoạn sản xuất thực phẩm, có cơ chế phối hợp giữa các Bộ liên quan ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn).

Quang Nhàn