BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự

Cập nhật ngày: 16/11/2010 - 07:26

ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu

Chiều ngày 16.11.2010, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (gọi tắt là dự án Luật). Các vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng trong điều kiện chưa sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức Toà án nhân dân thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS như trong dự án Luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành BLTTDS; nhất là những quy định không thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác; đồng thời đáp ứng các yêu cầu cam kết quốc tế và cải cách tư pháp; hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.

Các ý kiến ĐBQH tham gia vào những vấn đề như: Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, đại biểu cho rằng Viện kiểm sát (VKS) tham dự phiên toà, phiên họp có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng, phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự; và cho rằng VKS tham gia tố tụng là đại diện cho quyền lợi của xã hội, không phải đại diện của các bên đương sự, chỉ đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào. Tại phiên họp, phiên toà sơ thẩm Kiểm sát viên chỉ có thể phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Còn đối với các phiên họp, phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên tham dự phiên toà, phiên họp ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng thì còn có quyền phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ việc dân sự để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định của Toà án, bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng VKS có kháng nghị.

Về quy định Hội đồng định giá trong dự án Luật, đại biểu đồng ý với quy định Hội đồng định giá do Toà án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Theo các đại biểu, quy định như thế sẽ bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời cũng bảo đảm được sự phù hợp về chuyên môn của Chủ tịch Hội đồng định giá. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ chế tài cụ thể nếu đại diện các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia vào Hội đồng định giá. Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm về tổ chức của Hội đồng định giá vì theo quy định dự án Luật Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính, quy định như dự án Luật sẽ gây khó khăn cho cơ quan tài chính vì cơ quan này quá nhiều việc nên không đủ lực lượng để cử người tham gia khi phát sinh tranh chấp ở nhiều lĩnh vực quan hệ khác nhau… Đề nghị trong Luật nên xác lập cơ chế giao đương sự tự lựa chọn cơ quan định giá, nếu không tự thoả thuận được thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà chỉ định đơn vị định giá độc lập (ví dụ Trung tâm thẩm định giá) thay vì giao cho cơ quan nhà nước để định giá.

 Về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, các đại biểu cho rằng, vấn đề thời hiệu cần được tiếp tục rà soát và quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS), không cần thiết quy định trong BLTTDS; quy định về thời hiệu của dự án Luật được áp dụng cho những quan hệ pháp luật mà BLDS và các luật chuyên ngành khác không quy định; trong trường hợp này Toà án sẽ áp dụng quy định của BLTTDS để giải quyết. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy không phải tất cả các quan hệ pháp luật đều đã được pháp luật chuyên ngành quy định về thời hiệu, do đó cần phải giữ lại quy định của BLTTDS về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự để áp dụng cho những quan hệ pháp luật chưa được quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.

QUANG - NHÀN

(Lược ghi)