BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Báo động nhiều hành vi mua, bán người đáng lo ngại (*)

Cập nhật ngày: 28/10/2010 - 11:18

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại buổi thảo luận

Sáng ngày 27.10.2010, tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người tại kỳ họp Quốc hội, các vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhận định, thực tế diễn ra trong thời gian qua cho thấy nạn nhân các vụ mua bán người không chỉ là phụ nữ, mà có cả học sinh, sinh viên, trẻ em là nam giới, đáng chú ý là hiện tượng rất rõ cha mẹ bán con (có những trường hợp bán con trong bào thai, bán cho công ty, xí nghiệp bóc lột lao động), hành vi tự bán mình (làm nô lệ tình dục ở các nước láng giềng, con bạc bán thân trả nợ)… diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp với tính chất, quy mô và thủ đoạn ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt có nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia, trong khi đó công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội (nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, môi giới hôn nhân,...) còn bất cập, sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ có trình độ học vấn thấp. Tình trạng bạo lực gia đình, thiếu việc làm, công tác quản lý lao động không chặt chẽ, đặc biệt là công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu tại địa phương chưa tốt cũng là lý do dẫn tới gia tăng tình trạng buôn bán người... Các vị đại biểu tán thành ban hành luật này với những quy định chặt chẽ, đảm bảo tính răn đe.

Tuy nhiên, các vị đại biểu còn băn khoăn và đề nghị làm rõ một số nội dung cụ thể như sau: Đề nghị tách bạch và định nghĩa rõ các hành vi như mua người, bán người là như thế nào? Và cần xem xét tên gọi của dự án luật là “Luật Phòng, chống mua bán người” (tức là mua bán có tính chuyên nghiệp, số lượng lớn) hay “Luật Phòng, chống buôn bán người”. Đối với các cụm từ sử dụng trong dự thảo luật như  “không tương xứng” (tại khoản 6 - Điều 2), “các thủ đoạn khác” (tại khoản 7 - Điều 2, “vô nhân đạo” (tại khoản 2 Điều 3)... đề nghị cần giải thích rõ và đưa nội dung giải thích cụm từ vào dự án luật.

Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân (Điều 6) đề nghị bổ sung thêm nội dung nạn nhân tố giác thủ phạm và hợp tác cơ quan cảnh sát điều tra, tham gia công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người,...

Về nội dung tư vấn phòng ngừa mua bán người (khoản 1- Điều 9), đại biểu đồng ý giao cho cơ sở bảo trợ xã hội (Trung tâm bảo trợ xã hội) bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tăng cường đầu tư thêm cho các cơ sở này, nhất là nơi thuộc địa bàn trọng điểm về mua bán người hoặc có nhiều nạn nhân thì sẽ tận dụng được cơ sở hiện có hoạt động có hiệu quả và tiết kiệm.

Các vị đại biểu đề nghị nên giao nhiệm vụ hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú… cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận và làm thủ tục chuyển nạn nhân về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện và chuyển về tuyến trên, đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa các cơ quan hữu quan với nhau như cấp xã, Bộ đội Biên phòng và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về quy định hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người (khoản 3- Điều 5). Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét, tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo và các quỹ khác theo quy định của pháp luật (khoản 2- Điều 37)... Các vị đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét và chỉnh sửa phù hợp với thực tế, vì việc quy định các nội dung trên trong dự thảo luật là không đảm bảo khả thi khi thực hiện.

THANH NHÀN

(Lược ghi) 

(*) Tựa đề do toà soạn đặt