Đại biểu Nguyễn Đình Xuân góp ý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).
ĐBQH Nguyễn Đình Xuân |
Buổi chiều ngày 27.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Đình Xuân phát biểu: Với ý kiến của cử tri cũng như đại biểu Quốc hội trong thời gian qua, đại biểu kỳ vọng rằng sửa đổi luật này sẽ chấn chỉnh được tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên, thất thoát ngân sách quốc gia cũng như ô nhiễm môi trường. Nhà nước điều tra, thăm dò và thuê các công ty, các tổ chức, các nhà khoa học kể cả trong nước và ngoài nước để xác định được các loại tài nguyên khoáng sản, tiến hành lập quy hoạch khai thác, đồng thời phải tính toán cả không gian và thời gian, không phải có mỏ là khai thác mà cần phải xác định trữ lượng...
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị phải có biện pháp quản lý phù hợp như trang bị cho các cơ quan chức năng của Nhà nước những công cụ, biện pháp, kinh phí, con người; phù hợp để bảo vệ sở hữu, có như vậy sẽ không còn xảy ra việc các loại “tặc” hoạt động như hiện nay và cần phải quy định những điều cấm cũng như xử lý thật nghiêm hành vi để xảy ra thất thoát tài nguyên vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý. Chẳng hạn như quy định một số khoản nghiêm cấm chính quyền các cấp, cơ quan chức năng quản lý lơi lỏng để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Sau khi luật được thông qua, Chính phủ ban hành văn bản dưới luật quy định điều khoản cụ thể để xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia thì Nhà nước chủ động trong vấn đề bán và đấu thầu. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân không tán thành đấu thầu quyền thăm dò vì việc thăm dò là nghĩa vụ của Nhà nước. Đại biểu đề nghị xây dựng chiến lược về khoáng sản và có một chiến lược xuất khẩu rõ ràng. Đặc biệt là khoáng sản chiến lược như các loại tài nguyên mà thế giới đang cạn kiệt hoặc khai thác hạn chế thì phải có chiến lược ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ trong nước trước. Cụ thể như than đá hiện chỉ còn vài năm nữa là hết hoặc không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước nhưng bây giờ vẫn xuất khẩu tràn lan ra nước ngoài.
Về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác (Điều 6) nhưng tại khoản 2 có nội dung trách nhiệm của đơn vị, tổ chức khai thác là không hợp lý nên đề nghị xem xét lại cho phù hợp. Vấn đề quy định trách nhiệm dự thảo luật nên bỏ những từ mang tính chất không bắt buộc như “hỗ trợ” (tại khoản 2- Điều 6). Đại biểu đề nghị quy định bắt buộc đối với các đơn vị, tổ chức khai thác phải nâng cấp, bảo quản, duy tu cơ sở hạ tầng và đóng khoản tiền nhất định theo đề án hoặc theo đấu giá để phục vụ cho người dân tại địa phương và các chế độ khác. Trong bảo vệ môi trường tài nguyên khoáng sản, đại biểu đề nghị xem lại Điều 22 nếu khu vực đã cấm và tạm cấm khai thác sẽ không được khai thác trừ khi được thay đổi.
Thanh Nhàn
(Lược ghi)
(*) Tựa do Toà soạn đặt