BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Cần có sự chỉ đạo đồng bộ về quy hoạch nông thôn mới (*)

Cập nhật ngày: 07/08/2011 - 05:48

Buổi sáng ngày 6.8.2011 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011. Phát biểu trong phiên thảo luận này ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH Tây Ninh), góp ý về vấn đề về đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 7 của BCHTW Đảng (khoá X).

Đại biểu Phương nói: Trong Nghị quyết 7 và Nghị quyết 26 ngày 15.8.2008 về nông nghiệp, nông thôn đã nêu nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 24 về chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 đã nêu rõ các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các quy hoạch tổng thể và rà soát các quy hoạch hiện có trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ đạo hướng dẫn và giám sát thực hiện.

Gần đây, trong 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí đầu tiên là tiêu chí quy hoạch mà hiện nay vẫn còn ngổn ngang và vẫn còn dậm chân tại chỗ. Chính vì có những cái chưa đồng bộ, các địa phương vẫn còn mỗi địa phương một phách làm việc chưa đồng bộ, do địa bàn nông thôn quá rộng lớn nên hiện nay quy hoạch nông thôn mới được khoảng từ 23-26% các xã. Đồng thời, quy hoạch nông thôn còn mang tính tự phát, chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt và hạn chế tầm nhìn về lâu dài. Tôi đặt ra vấn đề này để Quốc hội và Chính phủ thấy rằng công tác quy hoạch nông thôn mới rất quan trọng. Trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sau khi Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ ra đời đã nhanh chóng triển khai và đạt được những vấn đề rất quan trọng trong vấn đề triển khai nông thôn mới này. Tuy nhiên, trong triển khai cũng mới làm ở 11 xã điểm trên toàn quốc. Tiếp theo là các thông tư liên tịch ra đời để hướng dẫn công tác quy hoạch, cụ thể là Thông tư 26 giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định 800. Tuy nhiên, trong thông tư này chưa đặt vấn đề cụ thể, rõ ràng về công tác quy hoạch nông thôn mới, mà chỉ hướng dẫn một cách chung chung, chẳng hạn quy hoạch đất sản xuất, quy hoạch đất xây dựng, đất giao thông cùng tích hợp trên một bản đồ tỷ lệ 1/5.000. Như vậy rất khó cho các địa phương khi triển khai công tác quy hoạch này.

Chính vì sự bất cập đó tháng 6 vừa qua Bộ Xây dựng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục dự thảo một thông tư và lấy ý kiến tại Nha Trang. Thông tư này cũng có hướng dẫn cụ thể và các địa phương khi tham dự hội thảo cũng đóng góp rất nhiều, thông tư này nếu ra đời có thể giải thoát cho địa phương trong công tác quy hoạch này, nhưng đến nay thông tư này vẫn chưa được ban hành.

Qua câu chuyện cụ thể này, mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan làm sao thống nhất được thông tư hướng dẫn cụ thể để cho các địa phương tháo gỡ công tác quy hoạch này. Nếu ngay từ đầu Thông tư 26 có Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng kết hợp trong Thông tư 26 này thì tôi nghĩ vấn đề đã giải quyết xong rồi, nhưng đến hôm nay vẫn khó khăn. Nói ra đây để Thủ tướng và Quốc hội xem xét và hỗ trợ cho vấn đề này, nhất là trong vấn đề xây dựng nông thôn mới hiện nay còn rất ngổn ngang và phức tạp.

Hầu hết các xã nông thôn chưa được quy hoạch bài bản

Phát biểu của đại biểu Trịnh Ngọc Phương còn đề cập đến vấn đề thuỷ điện với một số dẫn chứng về quy hoạch thuỷ điện ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai để Chính phủ xem xét quy hoạch, bớt đi đầu tư công đối với thuỷ điện, đồng thời lưu ý tình trạng bất an của người dân và thực trạng tác hại môi trường của tình hình quy hoạch, xây dựng công trình thuỷ điện tràn lan.

Buổi chiều ngày 6.8.2011: Quốc hội họp phiên bế mạc; Thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; Thông qua Nghị quyết về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Cuối cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc

Sau khi tham dự kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh trở về địa phương và bắt đầu có các cuộc tiếp xúc cử tri trong tuần lễ từ 15 đến 2.8.2011 để báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của cử tri với Quốc hội trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản Luật, Pháp lệnh; với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong phạm vi cả nước và của địa phương.

DUY QUANG

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt