BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người công tác ở vùng sâu, biên giới

Cập nhật ngày: 27/10/2009 - 05:26

ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu tại buổi thảo luận về Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN.

Chiều ngày 26.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (TGTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ và đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh có các ý kiến đóng góp như sau:

Về cơ bản các vị ĐBQH đoàn Tây Ninh đồng tình với Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TGTGT và Luật TTNDN của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội về việc đầu tư nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) và người có thu nhập thấp đang là vấn đề xã hội bức xúc, cần có cơ chế khuyến khích. Vì vậy trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay cần thiết có giải pháp tài chính đồng bộ ổn định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong đó có giải pháp về thuế.

Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Luật trên vì năng lực quản lý hiện nay còn hạn chế nên việc kiểm soát giá bán, giá mua nhà thực tế đang gặp nhiều khó khăn; cho dù Nhà nước có áp dụng chính sách thuế ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành thì chưa chắc giá bán, giá thuê nhà sẽ được giảm, người có thu nhập thấp là công nhân KCN, học sinh sinh viên sẽ không được hưởng lợi, còn Nhà nước thì bị thất thu ngân sách. Thực tế doanh nghiệp không chỉ xây nhà để bán, cho thuê đối với các đối tượng trên, mà còn nhiều đối tượng khác nữa...Qua thực tiễn việc thi hành Luật đã có trường hợp lợi dụng quy định này để hưởng ưu đãi, trốn thuế, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Về đối tượng áp dụng, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách, vì trên thực tế không chỉ có doanh nghiệp xây nhà cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp mà còn nhiều cá nhân khác cũng đầu tư xây dựng trên lĩnh vực này, mặt khác cũng cần xem xét bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng nhà ở công vụ cho những người công tác ở vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới.

Về việc điều chỉnh thuế suất áp dụng cho nhà ở, các đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ áp dụng mức thuế 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp, tuy nhiên đi đôi với việc áp dụng thuế suất ưu đãi dự thảo cần bổ sung quy định nhằm xác định tiêu chí về nhà ở được hưởng thuế suất ưu đãi, để tránh lợi dụng pháp luật trốn thuế, có cơ chế kiểm soát việc áp dụng, thực hiện trên thực tế chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích đến được đúng đối tượng. Đề nghị để tạo điều kiện về nhà ở cho người có thu nhập thấp cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này như hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua trả chậm, hỗ trợ kinh phí, điều kiện thế chấp, tỷ lệ giải ngân, hạn mức tín dụng…

Các đại biểu còn đề nghị Chính phủ giải trình một số điểm cụ thể để Quốc hội xem xét trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vì Nghị định ngắn và chưa rõ ràng còn chung chung…Ví dụ như Điều 1 (đối tượng được thuê, thuê mua nhà, mua nhà và giá thuê, thuê mua, mua nhà nêu tại điều này phải đáp ứng các tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định), vậy tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định là tiêu chí gì?

Về sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các đại biểu đồng tình việc áp dụng ưu đãi đối với mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp không phụ thuộc vào địa bàn đầu tư đều được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với mức ưu đãi cao nhất. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần quy định rõ biện pháp hậu kiểm để bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh, chống hành vi gian lận trốn thuế, lợi dụng ưu đãi để thu lợi cho cá nhân, tổ chức của mình; bảo đảm việc thụ hưởng ưu đãi cho các đối là công nhân KCN, học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp.

Trước đó, sáng ngày 26.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm – Đoàn ĐBQH Tây Ninh tiếp tục có ý kiến đóng góp dự thảo Luật này. Đại biểu Tâm đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm một vấn đề cụ thể như sau:

Đối với giấy phép tần số vô tuyến điện, đề nghị trong Luật cần quy định cụ thể thời hạn tối thiểu của các loại giấy phép, hoặc là ấn định về nguyên tắc đối với các thời hạn tối thiểu để các cơ quan chức năng khi cấp phép về tần số vô tuyến điện, thì có cơ sở rõ ràng để quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng xin, cho. Bởi vì ai cũng biết là một giấy phép thời hạn ngắn có giá trị khác với giấy phép có thời hạn dài.

Về trình tự thủ tục, các gia hạn bổ sung thu hồi giấy phép tần số vô tuyến điện, Luật quy định giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng kết thực tế việc thực hiện cấp phép tần số vô tuyến điện trong thời gian qua để có quy định cụ thể trong Luật. Đồng thời quy định chính thức nội dung cơ bản các loại giấy phép ở trong Luật để đảm bảo tính công khai minh bạch của Luật này. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm nêu ra tình trạng trong thời gian trước đây khoảng vài tháng, hàng loạt các đài phát thanh truyền hình vi phạm về việc sử dụng tần số vô tuyến điện và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đã đấu tranh rất mạnh trong lĩnh vực này. Qua các vấn đề được đưa ra phân tích, cho thấy vấn đề cấp phép, các thủ tục cấp phép không được công khai minh bạch, do đó đề nghị cần chấn chỉnh tình trạng này bằng cách đưa vào trong dự thảo Luật quy định cụ thể.

Về điều chỉnh cấp phép tại Điểm d, Khoản 2, Điều 19 quy định về xin cấp phép phải cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên những quy định trong cam kết này lại chính là nghĩa vụ của người sử dụng được quy định trong các điều khác của Luật và đương nhiên họ phải thực hiện khi sử dụng tần số vô tuyến điện. Do vậy thêm một điều kiện như vậy, thủ tục như vậy là không cần thiết, đại biểu đề nghị bỏ khoản này để giảm bớt thủ tục.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm đang phát biểu tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện.

Về Điều 23, thu hồi giấy phép tần số vô tuyến điện Điểm c, Khoản 1 quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm là sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho cấp cứu an toàn, cứu nạn quốc gia, quốc tế và mục đích khác và gây hậu quả nghiêm trọng thì bị thu hồi giấy phép. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định này, bởi vì các hoạt động cấp cứu an toàn, cứu nạn quốc gia, quốc tế là các hoạt động đặc thù không phải là dịch vụ kinh doanh bình thường, sai phạm ở đây là do người sử dụng sai mục đích, nếu thu hồi giấy phép tần số vô tuyến điện của các hoạt động này cũng đồng nghĩa với việc thông tin phục vụ cho cấp cứu an toàn và cứu nạn quốc gia, quốc tế có sử dụng đến tần số vô tuyến điện là không hoạt động được. Đề nghị cần tách việc xử lý trách nhiệm của người sử dụng tần số vô tuyến điện sai mục đích để xử lý riêng, không vì sai phạm của người sử dụng mà không cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện để phục vụ cho lợi ích an toàn an ninh chung của xã hội.

Đại biểu đề nghị đưa vào trong luật các quy định về chế tài xử lý vi phạm làm cơ sở cho việc đảm bảo thực thi các quy định của Luật này. Bởi vì trong thực tế việc vi phạm của các đài truyền hình sử dụng tần số trong thời gian vừa qua thấy rằng sau khi phát hiện sai phạm thì vấn đề xử lý cũng phức tạp không kém. Do đó để tăng tính pháp lý của các biện pháp xử lý trong vi phạm về tần số vô tuyến điện, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có cơ sở pháp luật đủ mạnh để thực thi pháp luật, tránh tình trạng bất cập trong xử lý, đại biểu Tâm đề nghị phải đưa vấn đề chế tài xử lý vào trong luật. 

Hôm nay, 27.10.2009 Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 (truyền hình, phát thanh trực tiếp). Thứ tư, 28.10 buổi sáng Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 (truyền hình, phát thanh trực tiếp). Chiều cùng ngày Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.

QUANG NHÀN – DUY NHÃ

(lược ghi)