Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Cần quy định rõ việc giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người
Chủ nhật: 10:16 ngày 31/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận xét, tình trạng khiếu nại đông người, thực tế vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất gay gắt, phức tạp, thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường...

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân phát biểu

Thảo luận dự thảo Luật Khiếu nại tại kỳ họp Quốc hội vào sáng ngày 29.10, các vị đại biểu Đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận xét, tình trạng khiếu nại đông người (nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung), thực tế vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất gay gắt, phức tạp, thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường... Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải xem xét. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để quy định trong luật này việc giải quyết khiếu nại đông người, vì đây là một thực tế không thể né tránh. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải quyết, nguyên nhân phát sinh khiếu nại như chính sách, chế độ liên quan đến giá cả đền bù hoặc có vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách… để có những quy định phù hợp. Đồng thời, đối với trường hợp chỉ có một người đi khiếu nại nhưng nội dung khiếu nại có liên quan đến nhiều người thì đại biểu đề nghị cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết cho những người có liên quan nhằm tránh tình trạng người khác có liên quan tiếp tục khiếu nại.

Trên thực tế có tình trạng một số cá nhân, cơ quan thực hiện không nghiêm túc quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hoặc do né tránh trách nhiệm của mình hoặc tránh việc tạo cơ sở pháp lý để người dân có căn cứ khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính nên đã không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định, mà dùng một số hình thức văn bản khác… Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ) một khoản giải thích về quyết định giải quyết khiếu nại, theo hướng các văn bản liên quan đến việc giải quyết khiếu nại bao gồm công văn, thông báo, kết luận, biên bản… có nội dung giải quyết khiếu nại cũng được xem là quyết định giải quyết khiếu nại nhằm bao quát hết các trường hợp xảy ra trong thực tế để làm căn cứ cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện tại toà án.

Các đại biểu thống nhất đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về việc khiếu nại của công dân nhằm biết đơn thư đã đến cơ quan nào, cho ý kiến và xử lý đến đâu, đồng thời công khai việc xử lý, giải quyết khiếu nại để công dân theo dõi nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ trong việc giải quyết khiếu kiện của công dân.

Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm đối với những hành vi như ký thay người khác (chữ ký giả) vào văn bản khiếu kiện, làm giả các quyết định giải quyết khiếu nại, kích động, cưỡng ép, lôi kéo, xúi giục người khác tập trung đông người để khiếu nại, bên cạnh đó đại biểu đề nghị làm rõ nội dung như thế nào là “Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại” tại khoản 8, Điều 7 của dự án luật…

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh phát biểu nhận định: Dự án luật có tên là “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, nhưng nội dung dự thảo luật không chỉ bảo vệ quyền lợi, mà còn bảo vệ cả sự an toàn, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ không bị quấy rối, không bị phân biệt đối xử v.v... nên đại biểu Xuân đề nghị gọi tên “Luật Bảo vệ người tiêu dùng” là hợp lý hơn.

Về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Xuân đề nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về mặt tài chính và các điều kiện hoạt động cụ thể để tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động có hiệu quả, có cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về hàng hoá nhập khẩu, dự thảo luật cần quy định rõ hơn về hàng hoá nhập khẩu vì hiện nay hàng hoá nhập khẩu vào nước ta rất nhiều thứ không có dán nhãn mác thông tin đầy đủ, điều kiện hàng hoá nhập khẩu đảm bảo an toàn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn, khi người tiêu dùng có vấn đề thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá phải bồi thường.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn các nhiệm vụ, chức năng, bên cạnh đó đối với trường hợp thu hồi sản phẩm và trách nhiệm của nhà cung cấp, đôi khi nhà cung cấp không đủ năng lực để thu hồi, mà để sản phẩm ngoài thị trường thì rất nguy hiểm. Một khi đã xác định được chất độc hại thì phải có biện pháp khẩn cấp, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ ra lệnh thu hồi và tổ chức thu hồi, sau đó buộc cơ quan cung cấp loại hàng hoá, dịch vụ này phải hoàn trả lại kinh phí tổ chức thu hồi cho Nhà nước, không nên chờ đợi, để người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng phải sản phẩm nguy hại. Do đó dự thảo luật cần phải quy định: Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thu hồi để bảo vệ cho công dân của mình; cấm hành vi chậm thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm; cấm việc phân biệt đối xử với khách hàng như bán hàng hoá cho người này mà không bán cho người kia hoặc là từ chối cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng phù hợp với pháp luật. Đối với hành vi che giấu khuyết tật sản phẩm cần có quy định cấm và có thể xử lý hình sự, nếu như khuyết tật hàng hoá dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng,…

THANH NHÀN

(Lược ghi)

 

Từ khóa:
Tin liên quan