BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Cần quy định số lượng chữ ký ủng hộ người tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND

Cập nhật ngày: 09/11/2010 - 11:01

Ngày 8.11.2010, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tham gia góp ý dự án luật này đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đồng tình với quan điểm lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cần thiết nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử ĐBQH khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 trong cùng một ngày.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Xuân đặt ra 2 vấn đề liên quan tới quyền ứng cử và quyền bầu cử theo phổ thông đầu phiếu. Theo ĐB Xuân “Trong quyền ứng cử chúng ta quy định hiện nay tương đối lỏng, tức là gần như mọi công dân đủ tuổi và có một số tiêu chuẩn nhất định thì đều có quyền tự ứng cử”, ĐB cho rằng do quy định chưa chặt chẽ nên thời gian qua người tự ứng cử khá đông, nhưng sau khi chọn lại thì không được mấy, lại rất mất thời gian công sức. ĐB đề nghị: “Người tự ứng cử ngoài những tiêu chuẩn quy định, cần có được chữ ký ủng hộ của một số lượng người cụ thể hoặc của tổ chức để làm cơ sở đưa ra lựa chọn”.

Về bầu cử theo phổ thông đầu phiếu, theo quy định thì tất cả cử tri đều có quyền đi bầu, mỗi người chỉ được bỏ 1 phiếu, nhưng thời gian qua đã có hiện tượng 1 người bỏ 5, 7 phiếu khá phổ biến ở nhiều nơi. Vấn đề này không có chế tài, cũng không có giám sát. ĐB đề nghị “Trong luật quy định rõ là cấm (một người bỏ phiếu thay cho nhiều người), đồng thời phải có một nghị định với những quy định kèm theo. Ví dụ, mỗi người chỉ được bỏ 1 phiếu, những ai bỏ 2 phiếu thì xử lý như thế nào, có bị xử phạt không, tổ bầu cử nào cho phép người ta bỏ nhiều phiếu để tăng số lượng cử tri đi bầu, hoàn thành bầu cử sớm, chạy theo thành tích thì cũng phải có chế tài,…”.

Quang - Nhàn