BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐOÀN ĐBQH TÂY NINH: Chính phủ đã thể hiện sự nhạy bén để ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra

Cập nhật ngày: 24/03/2011 - 10:15

Các vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự kỳ họp

Buổi sáng ngày 23.3.2011, Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 9 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận định, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung, tuy nhiên trong dự thảo Luật cũng còn có những nội dung chưa được làm rõ như tại Điều 2 giải thích từ ngữ có ghi: “Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực đe doạ hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác thực hiện công việc trái ý muốn của họ”, thuật ngữ này giải thích chưa rõ, chưa nói lên hết hành vi cưỡng bức lao động vì trong thực tế có một số trường hợp xảy ra đúng ý muốn của họ chứ không phải trái ý nhưng vì họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc do nhận thức của họ nên họ buộc phải làm những công việc pháp luật không cho phép; ví dụ như những trường hợp bố mẹ bán con nhận số tiền rồi giao con cho người khác sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Hành vi của bố mẹ bán con là tự nguyện nhưng vì họ gặp khó khăn, còn trẻ em chưa biết tự bảo vệ mình và cũng không nhận thức được như thế nào là đúng. ĐB đề nghị nên dùng thuật ngữ khác để định nghĩa rõ ràng hơn về cưỡng bức lao động. Một vấn đề khác, ĐB Xuân đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung trường hợp đẻ thuê như một loại tội phạm, ĐB Xuân cho rằng: Thời gian qua, có những đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang nước ngoài đẻ thuê, theo ĐB hành vi này có đủ cơ sở cấu thành tội mua bán trẻ em, tuy nhiên vì pháp luật của chúng ta quy định chưa thật rõ, ĐB đề nghị trong luật này cần phải có quy định thật rõ ràng: trường hợp đẻ thuê cũng là một trường hợp mua bán trẻ em, trong đó người đi đẻ thuê vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm vì những đứa trẻ sau khi được giao cho người ta thì chưa chắc đã trở thành con nuôi, có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và không loại trừ trường hợp mua bán trẻ em. Vì sau khi họ đẻ con họ giao con thì họ hoàn toàn không có liên lạc gì nữa.

Buổi chiều ngày 23.3.2011, Quốc hội làm việc ở tổ để cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chủ tịch nước, báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011, góp ý các báo cáo trên, các đại biểu Quốc hội Tây Ninh cơ bản đồng tình với những nội dung đã nêu trong các báo cáo, các ĐB cho rằng dù nhiệm kỳ có 4 năm nhưng hoạt động của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó nổi bật là hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chủ tịch nước theo định kỳ phải báo cáo với Quốc hội về các quyết định của Chủ tịch nước trong việc phê chuẩn các điều ước quốc tế; sớm cụ thể hoá rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân; quan tâm hơn công tác đặc xá vì trong thực tế số tái phạm tuy không nhiều nhưng có hành vi phạm tội khá phức tạp; quan tâm công tác thi đua khen thưởng vì hiện nay trong công tác khen thưởng còn hình thức, có trường hợp khen chưa chính xác, chưa đúng đối tượng.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại hội trường ngày 23.3.2011

Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu cho rằng nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ đã điều hành năng động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề lớn của đất nước; Chính phủ đã thể hiện sự nhạy bén để ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra trong bối cảnh thể chế kinh tế nước ta chưa hoàn toàn hội nhập. Bên cạnh những thành tựu đạt được các đại biểu đề nghị Chính thủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới cần quan tâm hơn các vấn đề cải tổ, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có việc phân định vai trò chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhất là quản lý doanh nghiệp. Mặt khác, về cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2007-2011 đã rút gọn được số bộ và cơ quan ngang bộ so với nhiệm kỳ trước; nhưng cần xem xét lại  việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực là để giảm biên chế nhưng hình như biên chế lại tăng lên, đầu mối bộ giảm nhưng lại sinh ra các tổng cục; đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn công tác cải cách hành chính, nhanh chóng lập lại trật tự kỷ cương trong bộ máy Nhà nước nhất là tổ chức bộ máy và nhân sự trong cơ quan Nhà nước.

Quang - Nhàn