BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Cơ chế đặc thù đối với Thủ đô phải đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp (*)

Cập nhật ngày: 07/11/2010 - 02:04

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh

Sáng ngày 6.11.2010, Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủ đô. Các ĐBQH Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo, Chính phủ cần giải trình rõ ràng những vấn đề đã được Uỷ ban Pháp luật đặt ra và đề nghị khi xây dựng, ban hành Luật Thủ đô cần phải “xác định rõ mục tiêu ban hành luật là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô, chứ không phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù gắn với mô hình chính quyền tự quản”.

Các đại biểu cho rằng theo quy định của Hiến pháp, Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vì thế, tổ chức chính quyền của thành phố Hà Nội cũng giống như các địa phương khác là phải phù hợp với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất. Việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải “bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác”. Các đại biểu tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước; tuy nhiên, đối với các vấn đề như đô thị hoá, ô nhiễm môi trường, nạn ách tắc giao thông, quản lý dân cư, xử phạt vi phạm hành chính, phát triển nông nghiệp, nông thôn, phòng chống lũ, xây dựng bộ máy chính quyền là vấn đề đặt ra đối với tất cả các địa phương, chứ không chỉ đặt ra đối với riêng Hà Nội. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách đặc thù phải được quy định cụ thể ngay trong luật, hạn chế những quy định mang tính định hướng, chung chung khó triển khai thực hiện nếu thiếu những văn bản hướng dẫn.

Dự án Luật Thủ đô, được xây dựng trong bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là với việc mở rộng địa giới năm 2008 đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô thay đổi cơ bản. Do đó, các đại biểu đề nghị cần tiến hành tổng kết Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010 để có đánh giá toàn diện trong việc thực hiện và xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với “đơn vị hành chính đặc biệt”, trung tâm chính trị hành chính quốc gia…

 Về phạm vi cơ chế, chính sách đặc thù, dự thảo luật quy định 20 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và xây dựng chính quyền, các đại biểu cho rằng để có cơ sở cho việc lựa chọn, quyết định những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển Thủ đô, đề nghị Ban soạn thảo cần có những giải trình cụ thể hơn tại sao lại đặt ra cơ chế, chính sách đó; sự cần thiết của từng cơ chế, chính sách mới; tính hợp lý, hiệu quả và khả thi của những quy định mới này.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: tại khoản 1 -Điều 29 dự thảo luật quy định “Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Chương II của luật này mà chưa được pháp luật quy định…”. Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng chưa đảm bảo theo quy định của Hiến pháp vì tại Điều 120 của Hiến pháp hiện hành quy định “Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương…”.

 Quang-Nhàn

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt