BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Đề nghị Chính phủ xem xét lại chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn

Cập nhật ngày: 22/10/2010 - 11:50

Ngày 22.10.2010, Quốc hội (QH) thảo luận đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011. Các vị ĐBQH Tây Ninh nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự giám sát tích cực, có hiệu quả của Quốc hội nên kết quả đạt được khá toàn diện. Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội chăm lo đời sống của nhân dân, người lao động và các đối tượng chính sách, góp phần ổn định chính trị xã hội, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức: Chỉ số giá tiêu dùng, giá xăng dầu, điện, sắt thép, giá vật tư nông nghiệp tăng cao… vẫn là nỗi lo trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo bàn giải pháp bình ổn giá nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, giá nhiều loại hàng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu ổn định, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng nhưng giá nông sản thì thấp, vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”; bên cạnh đó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh, diễn biến phức tạp. Nhà nước có nhiều cơ quan có chức năng được xem là bạn đồng hành cùng nông dân, nhưng khó xác định cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm giúp định hướng cho nông dân nuôi con gì, trồng cây gì, bán sản phẩm ra sao… nhằm ổn định giá cả đầu ra, cải thiện thu nhập cho nông dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để sớm bình ổn giá cả; bên cạnh những giải pháp tình thế trước mắt, cần tập trung xây dựng chiến lược lâu dài để ổn định sản xuất, nhất là những mặt hàng trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh TN phát biểu trong phiên thảo luận

Về xã hội, phát triển kinh tế cần phải gắn với vấn đề xã hội vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của sự phát triển, vấn đề này luôn được Quốc hội quan tâm, tuy nhiên qua các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây cho thấy có nhiều vấn đề xã hội nổi lên mang tính hệ thống nhưng chưa có giải pháp giải quyết có hiệu quả. Đáng quan tâm như vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, môi trường, khoáng sản còn nhiều yếu kém. Đạo đức xã hội đang nổi lên nhiều mặt trái đáng quan tâm như đạo đức học đường có chiều hướng xuống cấp, tội phạm giết người có xu hướng tăng, tham nhũng vẫn nghiêm trọng, nhưng việc chỉ đạo xử lý tham nhũng có dấu hiệu chậm lại… Chăm lo sức khoẻ nhân dân cũng là vấn đề cần phải quan tâm như việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, công tác thanh quyết toán khám, chữa bệnh (vượt quỹ)… đề nghị Bộ Y tế và các ngành chức năng cần xem lại để các chính sách được thực thi có hiệu quả giúp cho hộ nghèo giảm bớt phần nào khó khăn trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó các vị đại biểu còn đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm về việc tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin làm thất thoát tài sản Nhà nước...

Về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, thời gian qua Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn vẫn còn bất cập, với quy định mức phụ cấp không vượt quá một lần mức lương tối thiểu chung. Điều này làm cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở không an tâm công tác, trong khi mọi chủ trương đều đổ dồn về cho cơ sở tổ chức thực hiện. Ngoài ra đối với một số cán bộ cấp xã do không đủ điều kiện quy định để tham gia nhiệm kỳ mới, qua Đại hội Đảng ở cấp cơ sở phải nghỉ việc, nhưng không được hưởng chính sách nào khi về hưu. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm và ban hành chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ này vì đã có quá trình cống hiến cho Nhà nước...

Buổi chiều 22.10, Quốc hội thảo luận về đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011. Đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận định trong năm 2010 nền kinh tế tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt và vượt mặc dù còn ẩn chứa nhiều yếu tố chưa bền vững, ước thu ngân sách khả năng tăng thu cao, chi ngân sách đảm bảo và điều hành có tích cực hơn. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như thu NSNN vượt lớn nhưng bội chi NSNN vẫn tăng cao, chưa thật sự phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Đối với Dự toán NSNN 2011, các đại biểu Tây Ninh đề nghị Chính phủ cần xem lại việc giao mức thu cho các bộ, ngành, địa phương cần sát thực tế, tránh tình trạng giao thấp, ước thấp, vượt thu cao gây bị động cho công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương trong giai đoạn 5 năm 2011-2015; việc thu thuế từ đất đai cần thận trọng, tránh tình trạng chạy đua bán đất để thu tiền không theo quy hoạch. Ngược lại, cần rà soát việc quy hoạch tràn lan các khu, cụm công nghiệp nhưng các nhà đầu tư không triển khai các dự án, các công trình mà không điều chỉnh gây bất bình trong nhân dân (như không được sang nhượng, không cho xây dựng nhà cửa…) gây lãng phí về đất; trong phân bổ ngân sách cần quan tâm đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển kinh tế biên mậu,  quan tâm đến đầu tư khu vực phòng thủ biên giới, cụm dân cư biên giới đối với những địa phương  ngân sách khó khăn,…Đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, cần giao cho địa phương tự điều phối để thực hiện mang lại hiệu quả; về huy động và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ đề nghị tiếp tục đầu tư cho một số dự án, công trình còn dở dang, ưu tiên đầu tư, mở rộng các bệnh viện tuyến Trung ương như bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Ung bướu… ở thành phố Hồ Chí Minh vì đây là nơi khám và điều trị chuyên môn, kỹ thuật cao.

THANH NHÀN – KIM HẠNH

(Lược ghi)