BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Đề nghị không quy định kéo dài thời gian làm việc của viên chức

Cập nhật ngày: 27/09/2010 - 05:27

Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức họp Đoàn thảo luận và góp ý kiến dự án Luật Viên chức và Luật Khoáng sản.

Đối với dự án Luật Viên chức, về giới hạn phạm vi điều chỉnh, các đại biểu tán thành quy định luật chỉ điều chỉnh viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), đồng thời các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan hữu quan cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về các tổ chức SNCL, bởi lẽ hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về mô hình, tổ chức của các đơn vị SNCL nói chung.

Về đơn vị SNCL và cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động của đơn vị SNCL, theo các đại biểu dự thảo luật cần quy định phân chia các đơn vị SNCL thành hai loại: Đơn vị SNCL được giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ gắn với tự chủ về tài chính và tổ chức, bộ máy, nhân sự, và đơn vị SNCL chưa được giao quyền tự chủ hoặc được giao quyền tự chủ một phần về thực hiện nhiệm vụ tài chính, tổ chức và nhân sự. Về mô hình quản lý, điều hành, giám sát tại các đơn vị SNCL, các đại biểu thống nhất không quy định “cứng” trong luật mà nên giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xác định trên cơ sở xem xét, tính toán cụ thể các yếu tố về quy mô, tính chất, yêu cầu quản lý, lĩnh vực, địa bàn hoạt động... của từng loại đơn vị SNCL.

Về việc quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị SNCL, các đại biểu đề nghị quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam nếu đăng ký tuyển dụng vào viên chức, thì ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của luật này còn phải đủ các điều kiện khác do Chính phủ quy định.

Đại biểu đề nghị cần quy định điều tiết khoản thu từ khai thác khoáng sản cho địa phương nơi khai thác.

Về chế độ hợp đồng làm việc, các đại biểu thống nhất với phương án viên chức ký hợp đồng làm việc với người đứng đầu đơn vị SNCL; không quy định về hợp đồng đặc biệt trong phân loại hợp đồng làm việc, các đối tượng áp dụng hợp đồng đặc biệt theo Nghị định 116/2003/NĐ-CP sẽ được chuyển sang ký hợp đồng xác định hoặc không xác định thời hạn; cần có quy định cụ thể về các điều kiện chấm dứt, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc giữa viên chức và đơn vị SNCL theo hướng bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người lao động...

Các đại biểu đề nghị không quy định về việc kéo dài thời gian làm việc của viên chức; viên chức nghỉ hưu nếu có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, còn đủ sức khoẻ và đơn vị sự nghiệp có nhu cầu thì có thể chuyển sang làm việc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, khoán việc.

Đối với dự án Luật Khoáng sản, về phạm vi điều chỉnh có đại biểu đề nghị bổ sung các hoạt động chế biến khoáng sản, xuất khẩu khoáng sản vào phạm vi điều chỉnh của luật; có ý kiến đề nghị dự thảo luật chỉ điều chỉnh đến công đoạn phân loại, làm giàu khoáng sản nằm trong khâu khai thác khoáng sản, không điều chỉnh toàn bộ hoạt động chế biến, sử dụng khoáng sản; về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thêm quy định “Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội” có mâu thuẫn và tương ứng với cơ chế điều tiết tài chính - ngân sách được quy định tại Luật Ngân sách không?

Về chiến lược khoáng sản, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ nội dung, thời hạn, tầm nhìn, thời gian xây dựng và những vấn đề cụ thể khác của chiến lược khoáng sản. Đồng thời, thống nhất quy định giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược khoáng sản. Về thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, các đại biểu thống nhất quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản tập trung một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại các khu vực phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản của UBND cấp tỉnh như quy trình của Trung ương, hạn chế tình trạng khai thác, thăm dò tràn lan.

 Về đấu giá quyền thăm dò - khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên tách riêng quy định về thăm dò và khai thác thành 2 điều luật riêng biệt, hạn chế hiểu lầm đối tượng tham gia quyền thăm dò đương nhiên là đối tượng được tham gia khai thác khoáng sản. Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp một số điều luật cụ thể khác của hai dự án luật.

KIM CHI