BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh đóng góp ý kiến về dự án Luật Thuế tài nguyên và Luật Nuôi con nuôi

Cập nhật ngày: 05/11/2009 - 08:59

* Cần phòng ngừa việc “buôn bán con nuôi”

Đoàn ĐBQH Tây Ninh thảo luận dự thảo Luật Nuôi con nuôi.

Chiều 3.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nuôi con nuôi, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) có ý kiến nhận xét, ở nước ta do nhiều nguyên nhân có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên việc nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Ngoài việc tạo mái ấm gia đình cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật..., việc nuôi con nuôi còn góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người có nguyện vọng nhận con nuôi, nhất là những gia đình không có con, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, độc thân...; không chỉ đối với người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Vì vậy, đại biểu Bạch Mai đồng ý việc ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về vấn đề này.

Về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, khoản 4 Điều 24 của dự thảo Luật quy định: “Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em với cha mẹ nuôi có thoả thuận khác, kể từ thời điểm việc nuôi con nuôi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, giáo dục, đại diện theo pháp luật, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi”. Đại biểu cho rằng, việc cho con nuôi chỉ là giải pháp thay thế gia đình gốc, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Do đó, khi trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em được nhận làm con nuôi thì cha, mẹ nuôi được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý đối với con nuôi để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Do đó đại biểu đồng ý luật quy định khi cha mẹ đẻ không còn hoặc không có khả năng thực hiện một số quyền, nghĩa vụ như nuôi dưỡng, cấp dưỡng, giáo dục, đại diện theo pháp luật, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đẻ, thì thông qua việc cho trẻ em làm con nuôi, các quyền, nghĩa vụ này được chuyển giao cho cha, mẹ nuôi thực hiện.

Đại biểu Bạch Mai đề nghị luật cần phải đặc biệt ưu tiên đối với người nuôi con nuôi trong nước, vì có như vậy người được nhận làm con nuôi sẽ không mất đi truyền thống, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Về nguồn gốc nhân thân, người con nuôi cần phải được bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc, quê quán của mình, người nhận con nuôi không được cản trở và ngăn cấm việc này. Đại biểu Bạch Mai còn băn khoăn việc người nước ngoài nhận con nuôi như đã xảy ra trong thực tế là việc nhận con nuôi vì mục đích lợi dụng buôn bán, do vậy đại biểu đề nghị luật cần quy định rõ người nhận nuôi con nuôi phải chứng minh tình trạng sức khoẻ, điều kiện kinh tế… để đảm bảo khả năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con nuôi; đồng thời Nhà nước cần có cơ chế quản lý kiểm tra chặt chẽ và có biện pháp chế tài đối với trường hợp xem người con nuôi như là “hàng hoá”.

* Nên đánh thuế thật cao để giữ lại tài nguyên cho thế hệ sau

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại hội trường kỳ họp QH.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Thuế tài nguyên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tán thành nguyên tắc thu thuế tài nguyên với con số tương đối để bảo vệ nguồn tài nguyên. Tức là đối với những tài nguyên không tái tạo được thì phải thu thuế cao, và đặc biệt cao đối với những tài nguyên sắp cạn kiệt. Đại biểu Xuân dẫn chứng, việc khai thác than theo con số công bố chính thức thì đến năm 2013 nước ta bắt đầu nhập khẩu than và đến năm 2020 thì… coi như hết sạch than. Vậy mà bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu ồ ạt, điều này thật không thể hiểu nổi. Làm kiểu này tức là “ăn non”, sau này lại phải bỏ tiền ra rất nhiều cho thế hệ sau nhập vào. Đại biểu Xuân đề nghị: “Đối với loại tài nguyên chúng ta không còn nhiều thì phải tăng thuế lên để giữ gìn nó lại”, “nếu thuế cao tới mức độ làm nản lòng những nhà xuất khẩu thì càng tốt… vẫn còn để con cháu chúng ta dùng”.

Về chính sách miễn giảm, theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân, nếu loại thuế nào có những điều khoản miễn giảm thì sẽ tạo thành những kẽ hở lớn, ví dụ “đối với công trình an ninh, quốc phòng thì được miễn giảm, nhưng làm sao tôi biết được quặng này khai thác hay đất này khai thác, là chở về công trình an ninh quốc phòng hay là chở đi đâu đấy? Để làm việc này chúng ta phải tốn rất nhiều nhân công để giám sát. Tốt nhất chúng ta cứ thu, thu xong rồi lại chi, cái đấy bình thường thôi, mà lại hạch toán được vào trong ngân sách, tính được vào trong GDP, tính được vào tỷ lệ huy động theo thuế v.v... rất nhiều thứ hợp lý hơn”.

Về căn cứ tính thuế đại biểu Xuân đề nghị “tính tại gốc, nhưng phải tính theo hàm lượng, đặc biệt là hàm lượng hữu hiệu vì có những loại hàm lượng cao nhưng do cấu tạo của nó nên hàm lượng hữu hiệu là cái có thể khai thác thì lại thấp. Cho nên phải tính theo hàm lượng hữu hiệu để từ đó quy ra, ví dụ một mỏ vàng có hàm lượng 1%, thì thuế phải khác với mỏ vàng 2%, 3%. Điều này phải tính và quy đổi ra hàm lượng. Nếu có 2, 3 thứ kim loại trong một quặng chẳng hạn thì lại phải tính cả 2 hoặc 3 thứ, chứ nếu người ta chỉ khai thác một thứ, vứt bỏ hai thứ kia thì cũng không hợp lý và cuối cùng khi tính giá thì phải tính giá thương mại của kim loại đã lấy ra, chứ không phải là lấy theo giá quặng để quy ngược trở lại, bởi vì giá quặng tại gốc thì làm sao có được”.

Theo đại biểu Xuân, kỳ họp này chưa thể thông qua Luật này, vì cần có thêm thời gian để Chính phủ chuẩn bị các phương án tốt nhất trình Quốc hội xem xét quyết định trong kỳ họp tới.

Quang Nhàn