BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Góp ý dự án Luật Người khuyết tật và Luật Nuôi con nuôi

Cập nhật ngày: 04/04/2010 - 05:39

Dự án Luật Người khuyết tật gồm 9 chương 47 điều, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2011. Có đại biểu thống nhất với tên gọi dự thảo luật là Luật Người khuyết tật. Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, các đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật “chính sách dành riêng cho người khuyết tật Việt Nam”; vì Việt Nam chưa có đủ điều kiện để thực hiện điều chỉnh đối với NKT là người nước ngoài; cần có  chính sách ưu đãi đối với NKT là người có công.

Về phân dạng, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận khuyết tật, các đại biểu thống nhất với quy định 3 hạng khuyết tật (hạng một, hạng hai và hạng ba), và đề nghị Uỷ ban TVQH cho ý kiến thêm dạng khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Đại biểu thống nhất việc cấp giấy chứng nhận khuyết tật là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có điều kiện tiếp cận các chính sách ưu đãi như trợ cấp xã hội hằng tháng, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông hay sử dụng một số dịch vụ công cộng... Giấy chứng nhận được cấp khi NKT có yêu cầu và do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

Về chăm sóc sức khoẻ đối với người khuyết tật, các đại biểu thống nhất với quy định trách nhiệm của cán bộ y tế, trách nhiệm của mạng lưới y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ NKT; quy định rõ về việc cấp thẻ BHYT cho NKT trên cơ sở phân hạng khuyết tật… Đối với quy định sử dụng lao động là người khuyết tật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và tạo điều kiện về việc làm cho người khuyết tật sao cho phù hợp với trình độ và sức khoẻ của người khuyết tật như bố trí nơi làm việc phù hợp, sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt, bố trí người hỗ trợ,...

Đoàn ĐBQH Tây Ninh còn có nhiều ý kiến chung quanh các vấn đề bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng, vấn đề cung ứng và đảm bảo giáo viên, chương trình, lớp học phù hợp để giảng dạy cho người khuyết tật.

Đối với dự án Luật Nuôi con nuôi (dự thảo gồm 5 chương, 52 điều, dự kiến có hiệu lực từ ngày 10.1.2011), về đối tượng, độ tuổi được nhận làm con nuôi, điều kiện của người được nhận làm con nuôi, các đại biểu thống nhất đề nghị quy định đối tượng được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi. Đối với trường hợp ngoại lệ là người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Về điều kiện của người được nhận làm con nuôi, các đại biểu tán thành không phân biệt giữa điều kiện nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài nhằm thống nhất, tránh phân biệt đối xử, gây tổn thương cho trẻ em.

Các đại biểu còn góp ý về các vấn đề: thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi và giải quyết yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi, lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Về hệ quả của việc nuôi con nuôi, các đại biểu thống nhất đề nghị về mặt pháp lý, quan hệ này chỉ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ trực tiếp giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Nhưng khi trở thành thành viên trong gia đình cha mẹ nuôi, con nuôi phải có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó, có các quyền, nghĩa vụ với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi như con đẻ và không thay đổi dân tộc của trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định về thay đổi dân tộc của Bộ luật Dân sự.

Kim Chi