BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Góp ý Dự án Luật Phòng, chống mua bán người

Cập nhật ngày: 08/10/2010 - 10:19

Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý Dự án Luật Phòng, chống mua bán người, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH chủ trì. Đại diện các ngành chức năng có liên quan lĩnh vực này tham dự hội nghị.

Dự thảo Luật được thiết kế gồm 8 chương, 51 điều. Về phạm vi điều chỉnh của luật, các đại biểu cho rằng buôn bán là một dạng mua bán có tính chuyên nghiệp cao và nhằm mục đích lợi nhuận. Do vậy, dự thảo Luật này không nên chỉ điều chỉnh việc phòng, chống buôn bán người mà nên mở rộng phòng, chống mua bán người nói chung, bao gồm cả hành vi mua bán người có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp (tức là buôn bán) lẫn hành vi mua bán người đơn lẻ hoặc đồng phạm đơn giản; có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người ở nước ta. Do vậy, đại biểu tán thành tên gọi của dự án Luật là “Luật Phòng, chống mua bán người” thay vì Luật Phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em như dự thảo cũ. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thêm hành vi cha, mẹ lợi dụng con cái có những hành vi trái luật này có điều chỉnh không như đưa con mình đi bán… và đề nghị bổ sung hành vi mua bán người thông qua hành vi đưa người đi lao động nước ngoài…

Quy định về các biện pháp phòng ngừa mua bán người tại Chương II, các đại biểu đề nghị thống nhất quy định về 5 nhóm biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: thông tin, giáo dục, truyền thông; tư vấn về phòng ngừa mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự; quản lý các hoạt động dịch vụ, kinh doanh dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người; lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Các đại biểu thống nhất đề nghị dự thảo Luật nên nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện, báo tin về các hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức hoạt động trong một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người hoặc các hành vi khác liên quan đến mua bán người (Khoản 1 Điều 20) cũng như việc phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân (Điều 21).

Về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân: các đại biểu thống nhất quy định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về; trách nhiệm của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đối với nạn nhân được giải cứu; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đối với nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… Đồng thời, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tiếp nhận nạn nhân của cơ quan, tổ chức ban đầu tiếp nhận nạn nhân, quy định như dự thảo còn chung chung. 

Về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người (từ Điều 40 đến Điều 45), các đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người. Các bộ, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người. Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người tại địa phương…

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về một số điều luật cụ thể khác.

Kim Chi