BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND

Cập nhật ngày: 07/10/2010 - 10:55

Ngày 7.10.2010, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tây Ninh tổ chức hội nghị mời đại biểu các ngành góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND.

Dự thảo Luật sửa đổi 17 điều của Luật Bầu cử ĐBQH và sửa đổi 13 điều, bổ sung 1 điều của Luật Bầu cử đại biểu HĐND nhằm thực hiện bầu cử chung ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày và khắc phục một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức bầu cử. Dự thảo Luật có cấu trúc nội dung của một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với 4 điều, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1.1.2011, bao gồm: Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH; Điều 2 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Điều 3 quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu gợi ý thảo luận

Các đại biểu thống nhất sửa đổi quy định về Hội đồng bầu cử ở Trung ương theo hướng bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử ĐBQH thì tổ chức này còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với cả bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND…  Các đại biểu đề nghị việc thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương là 4 tháng (dự thảo quy định 105 ngày) trước ngày bầu cử để đảm bảo cho Uỷ ban bầu cử ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết trong công tác bầu cử và tạo điều kiện để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri sớm hơn và kiến nghị nâng ngày ứng cử viên tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử là 15 ngày thay vì 5 ngày như trước nay…

Các đại biểu đề nghị giao cho Thường trực HĐND là cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, thay vì giao cho UBND. Riêng các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ có Nghị quyết riêng. Về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu các đại biểu thống nhất từ 300 đến 3.000 cử tri, nếu quy định 4.000 thì quá nhiều. Riêng đối với lực lượng vũ trang chỉ tổ chức bầu cử riêng khi có từ 300 cử tri trở lên, còn lại thực hiện bỏ phiếu theo khu vực bỏ phiếu chung với địa phương. Các Tổ bầu cử nên có thùng phiếu lưu động mang đến các cơ sở người khuyết tật để các đối tượng này thực hiện quyền công dân của mình…

Về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu, đề nghị Hội đồng bầu cử quy định mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu của cả ĐBQH và đại biểu HĐND; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu bầu cử, phiếu bầu cho Uỷ ban bầu cử; Uỷ ban bầu cử chuyển cho Ban bầu cử, Ban bầu cử chuyển cho Tổ bầu cử để phân phát cho cử tri. Về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH, có ý kiến thống nhất như quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo linh hoạt với số dư người ứng cử. Có ý kiến đại biểu đề nghị không nên quy định cứng về số dư mà nên quy định về tỷ lệ %, phải đảm bảo tỷ lệ người ứng cử đạt 75%, để tránh trường hợp bầu không đảm bảo số lượng đại biểu, không đạt quá bán do phiếu bầu bị phân tán…

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện cuộc bầu cử chung ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày, không sửa đổi cơ bản các luật về bầu cử nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ. Các đại biểu còn đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tự ứng cử để đảm bảo tính công khai, dân chủ và bình đẳng…

KIM CHI