BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Góp ý về dự án thuỷ điện và Luật thuế nhà, đất

Cập nhật ngày: 14/11/2009 - 05:58

ĐB. Nguyễn Đình Xuân

Tại phiên thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thuỷ điện Lai Châu sáng 13.11, ĐBQH Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân tỏ ra rất băn khoăn “về thông số mà trong Báo cáo Chính phủ đã nhiều lần dùng đến là lũ lịch sử 0,01%, tức là một con đập chịu được một cơn lũ tần suất 1/1.000 năm”. Đại biểu Xuân thắc mắc: “Không biết những tính toán mà lũ lịch sử 1.000 năm này chúng ta đã cập nhật được tình hình mới chưa, đã thay đổi chưa, nếu không thì lũ 1/1000 năm sẽ trở thành lũ 1/10 năm hoặc một phần vài chục năm mà trong thi công công trình thủy điện của chúng ta tuổi thọ lên tới 50 - 60 năm. Cho nên tôi thấy việc này đề nghị các vị trong hội đồng thẩm định, nghiên cứu thật kỹ cách thức tính toán thông số chúng ta thực sự có đúng là lũ 1/1000 năm hay chưa?”. Bên cạnh đó, ĐB. Xuân cũng đề nghị phải tính xem động đất có khả năng xảy cấp lớn nhất của nó là cấp mấy để xây dựng một công trình phù hợp; phải tính đến xác suất rủi ro có thể xảy ra đó là vỡ đập nếu vừa xảy ra lũ, vừa xảy ra động đất. Nếu vỡ đập thì phương án ứng phó như thế nào, ví như khi xảy ra sự cố ở thuỷ điện Lai Châu hoặc Sơn La thì có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị, phải làm gì để đối phó. Theo ông Xuân, cần phải có phương án hết sức chi tiết, phải diễn tập và xây dựng kinh phí dự trù cho những hoạt động đó.

ĐB Xuân cũng cho rằng, muốn đảm bảo được tuổi thọ của công trình, cần quan tâm giải pháp phát triển và bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng, phát triển rừng phải được tính trên giá thành của mỗi kW điện, trên lợi ích của người dân.Ông nói: “Một công trình thuỷ điện dự kiến tuổi thọ là 50 năm, nhưng nếu không giữ được rừng thì phù sa, đất cát kéo về thì chỉ được 40 năm, thậm chí 30 năm hồ này là mực nước chết và không khai thác được nữa thì thiệt hại là rất lớn”.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật thuế nhà, đất, ĐB. Nguyễn Thành Tâm cho rằng, nhà, đất là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Việc thực thi pháp luật về nhà, đất luôn là điểm nóng của khiếu kiện. Vì vậy, để luật thực sự đi vào cuộc sống, đề nghị xem xét thận trọng khi ban hành những quy định chi tiết liên quan đến thẩm quyền quyết định chính sách thuế, quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế.

Theo ĐB. Tâm, tính khả thi của dự thảo luật chưa cao, cụ thể: Theo quy định tại Điều 6 của Dự thảo luật thì căn cứ tính thuế là diện tích nhà, đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với; đối với nhà, đất không có Giấy chứng nhận thì là diện tích thực tế đang sử dụng. Đối với người có nhiều đất thì căn cứ vào diện tích đất vượt hạn mức để áp dụng thuế suất luỹ tiến (mỗi mức cao hơn 0,03%). Đối với nhà, đất không có Giấy chứng nhận thì việc xác định diện tích sử dụng thực tế; việc thu được thuế luỹ tiến đối với người có nhiều nhà, nhiều đất ở nhiều địa bàn khác nhau của từng cá nhân, tổ chức thì cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, vấn đề này chưa được làm rõ. Hơn nữa dự thảo luật quy định đối với nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà.

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế; trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng nhà, đất là người nộp thuế. Vấn đề này, dự thảo luật chưa quy định đối với trường hợp nhà, đất đang bị tranh chấp mà người có Giấy chứng nhận quyền sở hữu lại không được sử dụng nhà, đất và đối tượng sử dụng nhà, đất đang bị tranh chấp lại không có Giấy chứng nhận thì ai sẽ là người nộp thuế trong trường hợp này, đề nghị đưa vấn đề này vào luật.

ĐB. Nguyễn Thành Tâm

Về thẩm quyền quyết định giá đất: Theo quy định tại Điều 6 của dự thảo luật thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định giá đất tính thuế. Vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết của việc ban hành khung giá chung làm căn cứ cho UBND xác định giá đất tính thuế nhằm một mặt bảo đảm phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương; song mặt khác, không tạo sự chênh lệch quá lớn về giá đất giữa các địa phương, tránh hiện tượng tuỳ tiện phát sinh trong định giá đất ở cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu Nhà nước quản lý thống nhất, đồng thời cũng phù hợp với hướng quy định của Luật đất đai.

Về ổn định chu kỳ tính thuế: khoản 3 Điều 6 của dự thảo luật quy định giá tính thuế đối với nhà, đất được ổn định theo chu kỳ 5 năm kể từ năm đầu tiên luật có hiệu lực thi hành.Vấn đề này đại biểu đề nghị xem xét lại, vì quy định chu kỳ ổn định 5 năm là không có cơ sở vì giá của 1m2 đất tính thuế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của dự thảo luật là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Theo quy định của Luật đất đai thì giá đất này không ổn định theo chu kỳ 5 năm; hàng năm, UBND cấp tỉnh ban hành khung giá đất để áp dụng cho năm hiện hành. Do đó, việc quy định giá tính thuế đối với nhà, đất ổn định theo chu kỳ 5 năm là chưa thống nhất với quy định liên quan đến thời hạn xác định giá đất trong hệ thống pháp luật, không phù hợp với biến động của thị trường đất đai.

QUAN NHÀN

(lược ghi)