BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh làm việc với các ngành tỉnh: Kiến nghị sửa đổi một số quy định về Thuỷ lợi và Tư pháp

Cập nhật ngày: 09/10/2009 - 06:04

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Trưởng đoàn ĐBQH - phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Ngày 7.10.2009, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng về tình hình khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, việc triển khai thực hiện miễn, giảm thu thuỷ lợi phí theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo của các đơn vị, hiện nay trên địa bàn tỉnh các tuyến kênh thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng tổng cộng có 1.172 tuyến kênh tưới các cấp, dài 1.163,554km và 6.438 công trình trên kênh; 134 tuyến kênh tiêu với tổng chiều dài 284,056km và 151 công trình; ngoài ra còn có hệ thống tưới tự chảy ở vùng nguyên liệu mía đường huyện Tân Châu. Hằng năm, việc khai thác tưới đều được thực hiện tốt, đủ 3 vụ với khoảng 100.000 ha bao gồm tất cả các hình thức tưới (tự chảy, thấm ngấm, tạo nguồn), kể cả những năm hạn hán, hồ Dầu Tiếng không đủ nước.

Về công tác bảo vệ công trình, từ năm 2006, Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi và UBND các huyện, thị đã soạn thảo quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả khai thác và tăng cường công tác bảo vệ công trình. Từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2009 đã phát hiện, xử lý trên 800 trường hợp vi phạm. Hiện nay không còn tình trạng tự ý ban, xẻ kênh, tình trạng trồng cây, chăn thả gia súc, gia cầm vào kênh giảm đáng kể. Đồng thời, công tác bảo dưỡng, duy tu từng đoạn kênh, từng công trình được ngành chú trọng và tăng cường, do vậy hầu hết các kênh luôn thông thoáng và đã khắc phục được tình trạng thiếu nước như trước đây.

Về việc thực hiện miễn thu thuỷ lợi phí, nông dân rất phấn khởi do giảm được chi phí sản xuất, chất lượng và diện tích tưới không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên; ngành thuỷ lợi khắc phục được tình trạng thất thu do không còn tình trạng né tránh hợp đồng, giấu bớt diện tích của người dân; Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng có điều kiện về kinh phí (do được ngân sách cấp bù) để tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình, đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình, tăng diện tích tưới tự chảy…

Tuy nhiên, nhìn chung, hiện trạng hệ thống công trình còn nhiều khiếm khuyết, công tác quản lý khai thác của Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng còn một số mặt tồn tại, làm hạn chế hiệu quả khai thác công trình như: hệ thống kênh hầu hết bằng đất, đã xuống cấp sau hơn 20 năm liên tục khai thác, đến nay chỉ kiên cố hoá được 20% hệ thống kênh; hệ thống kênh chưa hoàn thiện, mới đầu tư đến kênh tưới trên 50ha, làm hạn chế khả năng tưới chảy của hệ thống; thiếu mạng lưới kênh tiêu đủ tiêu thoát nước, thiếu mạng lưới giao thông nội đồng, bờ kênh hầu hết nhỏ không thể kết hợp giao thông; các địa phương chưa xây dựng được các vùng chuyên canh, rất nhiều nơi nông dân còn sản xuất xen canh nhiều loại cây trồng có nhu cầu tưới khác nhau trên cùng một khu tưới nên hiệu quả tưới chưa cao; việc phân phối, kiểm soát lưu lượng khối lượng nước, chưa định mức được lượng nước sử dụng cho từng loại cây trồng do đó chưa khắc phục được tình trạng lãng phí nước; một số nơi chậm phát hiện ngăn chặn các trường hợp vi phạm nhất là việc bảo vệ các bộ phận cơ khí; công tác vận hành lạc hậu, việc điều tiết nước chậm; mạng lưới tổ chức hợp tác dùng nước ở các địa phương còn rất yếu; ý thức tiết kiệm nước của người dân chưa cao do được miễn thuỷ lợi phí…

Các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bãi bỏ quy định chưa phù hợp về việc thu thuỷ lợi phí khi nông dân tưới bằng nước thuỷ triều.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bãi bỏ quy định chưa phù hợp về việc thu thuỷ lợi phí khi nông dân tưới bằng nước thuỷ triều. Đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi, Ban quản lý dự án PMU- Tây Ninh đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng và dự án Thuỷ lợi Phước Hoà; bên cạnh đó cần chú ý đến việc bảo đảm chất lượng công trình.

Ngày 9.10.2009, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc với ngành Tư pháp. Theo báo cáo của các cơ quan tư pháp thì năm 2009, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như: tội trộm cắp tài sản (nhiều nhất là trộm xe) tội cố ý gây thương tích; tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc; nổi lên là tội cướp tài sản như vụ cướp có vũ trang ở biên giới Tân Biên vừa qua và việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tội giết người; tội có tổ chức như buôn bán phụ nữ ra nước ngoài để hoạt động mại dâm, các tội phạm về ma tuý… Do đó, tình hình thụ lý và giải quyết các loại án đều tăng so với năm 2008.

Đại diện các cơ quan kiến nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến với Trung ương về tiêu chuẩn của điều tra viên, biên chế của ngành Toà án và một số vấn đề thực hiện và áp dụng pháp luật. Một số tội đơn giản, tai nạn giao thông… mà bị hại là người nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài thì do Toà án cấp tỉnh xử lý là chưa hợp lý, đề nghị những vụ án này nên để cho cấp huyện xử lý, trừ trường hợp phức tạp thì cấp tỉnh rút hồ sơ để xử lý… đề nghị tăng cường biên chế công an viên thường trực cho công an xã, ngoài ra cũng cần có chế tài để xử lý; việc công dân Việt Nam sang Campuchia đánh bạc.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ ghi nhận những thành quả, nỗ lực của các đơn vị và ghi nhận các vấn đề vướng mắc, sắp tới Đoàn ĐBQH sẽ phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.

Kim Chi