BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Lấy ý kiến góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thuế thu nhập cá nhân

Cập nhật ngày: 18/10/2012 - 05:11

(BTNO)- Ngày 17.10.2012, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý Luật phòng chống tham nhũng và Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi). Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Bênh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, MTTQ tỉnh. Ông Lê Minh Trọng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.

Luật phòng, chống Tham nhũng (sửa đổi) gồm 8 chương và 108 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vấn đề: Đổi mới phương thức thanh toán; Các quy định pháp luật có liên quan về hình thức tố cáo hành vi tham nhũng, việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng; Quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ, quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; Quy định về đơn vị chuyên trách về chống tham; Quy định về giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án theo hướng công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo cho phù hợp với quy định và Quy định về trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm, Phó trưởng đoàn ĐBQH phát biểu tại hội nghị.

Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật phòng, chống Tham nhũng, các đại biểu tỉnh Tây Ninh cũng đã góp ý kiến một số vấn đề như: Dự thảo luật còn một số điểm trùng lắp, lặp lại nhưng tính thống nhất chưa cao; Quy định về các lĩnh vực phải công khai chưa đầy đủ như lĩnh vực chính sách xã hội và lĩnh vực phát triển kinh tế rừng; Xử lý việc kê khai tài sản không trung thực cần có quy định cụ thể, phải lấy việc kê khai là cơ sở pháp lý, đối với tài sản không kê khai cần xử lý nghiêm túc, đơn vị quản lý cán bộ phải có trách nhiệm chính trong việc này; Cần quy định thời hạn và thời hiệu đối với xử lý hành vi tham nhũng, không để tình trạng người có hành vi tham nhũng “hạ cánh an toàn”, không bị xử lý.

Việc minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính và cải cách tài sản công cần có quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn; Cần có quy định cụ thể về vai trò của Văn phòng BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, kể cả cấp huyện;…

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống Tham nhũng sẽ được Kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 10.2012 xem xét thông qua.

* Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2009. Qua 3 năm thực hiện, Luật Thuế TNCN đã đạt được những mục tiêu đề ra, số người nộp thuế đã tăng lên qua hàng năm; động viên hợp lý thu nhập của dân cư, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó Luật Thuế TNCN cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn như: Mức giảm trừ gia cảnh; Phạm vi, đối tượng tính thuế; Thủ tục kê khai, quyết toán thuế…

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN  là cần thiết. Luật sửa đổi, bổ sung 6 Khoản tại 5 Điều và  sửa đổi, bổ sung toàn bộ 1 Điều (Khoản 2, Khoản 5, Điều 3; Khoản 10, Điều 4; Khoản 1, Điều 7; Khoản 1, Điều 19; Khoản 1, Điều 21 và sửa đổi Điều 24)  của Luật Thuế TNCN năm 2009.

 Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào: Mức thu nhập phải đóng thuế TNCN; Miễn trừ gia cảnh; Hình thức thu nhập phải chịu thuế TNCN; Các khoản thu nhập được miễn trừ nộp thuế TNCN...

Hội nghị cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế TNCN và góp ý tập trung vào các nội dung chính: Nên lấy mức hệ số lương tối thiểu để tính thuế TNCN, không nên lấy cụ thể số tiền thu nhập như hiện nay; Mức miễn trừ gia cảnh cần điều chỉnh theo thời gian và cụ thể từng cá nhân; Dự kiến thời gian Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 là chưa phù hợp, cần thực hiện sớm hơn, nên có hiệu lực ngay từ ngày 1.1.2013; Quy định đối tượng được miễn thuế TNCN thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp không phù hợp với một số quy định ở các văn bản khác, dẫn đến kẽ hở trong luật.

Khắc Luân