BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, nên tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Cập nhật ngày: 25/05/2009 - 12:04

Chiều ngày 25.5.2009 trong phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Đặng Vũ Minh, Nguyễn Thị Bạch Mai, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Thành Tâm, đoàn ĐBQH Tây Ninh đã sôi nổi tham gia phát biểu ý kiến.

ĐB Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại buổi thảo luận

Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ một số nội dung cụ thể như: Theo quy định của Luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh (Điều 27) và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng (Điều 34) là 50 năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng dự kiến xác định các thời hạn này là 75 năm. Các đại biểu cho rằng việc nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là cần thiết, một mặt bảo đảm lợi ích của các chủ thể trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích lao động sáng tạo; mặt khác, việc sửa đổi là nhằm tạo sự bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ điều ước với Việt Nam.

Về thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Khoản 2 Điều 119 của dự thảo Luật dự kiến kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể kéo dài thời hạn thẩm định từ 12 tháng lên 18 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 9 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kể từ ngày công bố đơn. Các đại biểu đề nghị không tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Để xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đúng thời hạn, cơ quan đăng ký cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính, quy định cụ thể, rõ ràng, công khai trình tự xử lý đơn; đồng thời củng cố về tổ chức, nhân sự và các biện pháp ứng dụng kỹ thuật để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ. Việc không tăng thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ làm cho các sáng chế, phát minh sớm được đưa vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, bảo hộ kịp thời quyền của chủ sở hữu và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính. ĐBQH còn đề nghị phân cấp thẩm quyền xử lý cho các địa phương; để giảm áp lực trong việc xử lý đơn của cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Về vai trò của cơ quan, tổ chức Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ (Điều 201), các đại biểu cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ là “Cục Sở hữu trí tuệ” quản lý cả hoạt động giám định. Như thế là “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì hiện nay cơ quan Nhà nước vừa cấp văn bằng, vừa đánh giá, xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động giám định cần được giao cho các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước và cần xã hội hoá hoạt động này để tận dụng nguồn lực các chuyên gia và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đồng thời có cơ chế giao cho các hội nghề nghiệp thực hiện.

Về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26 và Điều 33). Việc này ĐBQH cho rằng phải cân nhắc. Dự thảo Luật quy định trong mọi trường hợp, tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo thoả thuận. ĐBQH cho rằng quy định như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng tác phẩm của số đông công chúng và chưa có sự phân biệt giữa việc sử dụng cho mục đích kinh doanh và mục đích công cộng. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều chục năm nay, phần lớn các tác phẩm văn học nghệ thuật, ca nhạc, phim ảnh... kể cả nguồn nhân lực sáng tạo ra những tác phẩm này đều được hình thành bởi sự đầu tư, bao cấp của Nhà nước và xã hội. Do đó, cũng cần phải tính đến lợi ích của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Về chức năng quản lý Nhà nước, đại biểu đề nghị đưa vào sửa đổi quy định quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và phần mềm máy tính. Cụ thể là giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ này cho đúng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ sau khi được tổ chức lại theo Nghị quyết của Quốc hội. Luật SHTT được ban hành năm 2005 giao cho Bộ Văn hoá Thông tin thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và phần mềm máy tính. Đến nay nếu không sửa quy định này sẽ tạo ra chồng chéo chức năng giữa các cơ quan Nhà nước.

Minh Quang

(Mail từ Hà Nội)