Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng: vốn chi vượt mức, kết quả rất hạn chế (*)
Thứ sáu: 05:44 ngày 23/10/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong hai ngày 22 và 23.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010. Tham gia thảo luận, Đoàn đại biểu Tây Ninh đã đóng góp nhiều ý kiến.

Trong hai ngày 22 và 23.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010. Tham gia thảo luận, Đoàn đại biểu Tây Ninh đã đóng góp nhiều ý kiến, cơ bản thống nhất với các nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị phân tích làm rõ thêm một số vấn đề về kết quả đạt được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.

Về chính sách kích cầu của Chính phủ, các vị ĐBQH cho rằng trong thời gian tới không nên tiếp tục chính sách này, vì thực tế gói hỗ trợ 4% lãi suất mới chỉ đến được 20% doanh nghiệp (76.000/400.000 doanh nghiệp). Dừng hỗ trợ lãi suất cuối năm 2009 không chỉ đỡ tốn ngân sách Nhà nước, mà còn đỡ mất bình đẳng và không làm méo thị trường tiền tệ do gặp khó khăn trong điều hành lãi suất. Đại biểu đồng tình với chỉ số tăng trưởng 6,5%, nhưng cần phải có báo cáo trung thực. Qua thông tin đại chúng, ĐBQH quan tâm về vấn đề biển Đông, đề nghị Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Chính phủ cần quan tâm công tác quản lý rừng và xử lý nghiêm nạn phá rừng, nên xem xét lại tỷ lệ độ che phủ rừng hiện nay có đúng thực chất không.Các vị ĐBQH cũng bàn luận sôi nổi về các chỉ tiêu xã hội, đặt biệt là 7 chỉ tiêu không đạt như chỉ tiêu về môi trường, an sinh xã hội…, nếu Chính phủ không quan tâm sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Về phương án phân bổ ngân sách Trung ương 2010, đại biểu đề nghị tập trung đầu tư cho các công trình hoàn thành năm 2010, ưu tiên tập trung cho các mục tiêu xây dựng đường đến trung tâm xã, thuỷ lợi nhỏ, y tế tuyến huyện, giáo dục; điều chuyển vốn giữa các ngành, lĩnh vực giữa các dự án công trình với nhau để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình vào sử dụng, mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Đặc biệt quan tâm phân bổ đối với các dự án xây dựng đường đến trung tâm cụm xã và chương trình kiên cố hoá trường lớp học (không thể kéo dài tình trạng phòng học xuống cấp và đường đến các xã xuống cấp), đồng ý cho phép ứng trước vốn kế hoạch đối với các công trình, dự án  có tiến độ thi công, khối lượng hoàn thành vượt kế hoạch, nhưng không quá tổng mức đầu tư sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ được phê duyệt.

Về chi các công trình mục tiêu quốc gia, chính phủ dự kiến bố trí vốn 2010 cho 12 chương trình mục tiêu quốc gia (bổ sung thêm 67,5 tỷ đồng cho 1 chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu), trong đó lưu ý một số chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ quá dàn trải với mức vốn nhỏ, quan tâm bố trí chương trình phòng chống ma tuý (154 tỷ). Về ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu (vốn đầu tư) cho ngân sách tỉnh, đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đồng thời việc thực hiện chính sách cần phải ổn định để thu hút nhà đầu tư.

Về nhiệm vụ chi năm 2009, đại biểu cho rằng Chính phủ đề xuất nguyên tắc xử lý bù đắp giảm thu ngân sách địa phương là chưa thoả đáng, bởi vì khoản hụt thu do chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ là nguyên nhân liên quan tác động đối với địa phương, trong khi đó nhiệm vụ chi  trong năm 2009 theo dự toán vẫn phải đảm bảo, dù địa phương có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu  nhưng vẫn không đủ nguồn để chi. Nếu Chính phủ chỉ hỗ trợ 25% phần hụt thu cho địa phương do miễn giảm thuế, phần còn lại chỉ có chủ trương “tiếp tục xử lý để đảm bảo dự toán chi” thì chưa rõ ràng, gây khó khăn cho địa phương trong định hướng giải quyết bù đắp hụt thu, dễ phát sinh tình trạng “xin-cho”. Đề nghị Quốc hội quyết định cụ thể cơ chế rõ ràng hơn đối với bù đắp thiếu hụt thu ngân sách địa phương do chính sách miễn, giảm thuế gây ra.

Về công tác  phòng, chống và kiểm soát ma tuý: Luật có quy định về thực hiện cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai tại nơi cư trú nhưng đến nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện vấn đề này, do vậy trong thời gian qua các địa phương chưa thực hiện được công tác quản lý người sau cai tại nơi cư trú. Khi trở về cộng đồng hầu hết các đối tượng này tự ý bỏ đi không khai báo, sống không ổn định mặc dù có gia đình tại địa phương, không tìm được việc làm nên dễ quay lại con đường nghiện ngập. Bên cạnh đó đối với việc buôn bán ma tuý qua đường biên giới, công an và bộ đội biên phòng không có phương tiện, thiết bị hiện đại, cũng như không có chó nghiệp vụ để nhận dạng và phát hiện chất ma tuý, chủ yếu chỉ phát hiện từ việc cung cấp thông tin của cộng tác viên đồng thời nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này rất hạn chế. Đề nghị Chính phủ dành một khoản kinh phí để trang bị thiết bị và phương tiện để thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý hiệu quả hơn.

Về chi các chương trình mục tiêu quốc gia: đề nghị Chính phủ rà soát, tổng kết, đánh giá mặt được cũng như mặt chưa được của các chương trình này, từ đó sắp xếp và bố trí vốn cho hợp lý hơn để sớm kết thúc các chương trình; đề nghị phân bổ vốn trực tiếp thông qua hoạt động của các ngành, các địa phương để tránh chồng chéo, phân tán nguồn vốn, khó quản lý, gây thất thoát, lãng phí và không mang lại hiệu quả thiết thực. Đại biểu còn đề nghị Chính phủ rà soát lại mục tiêu của một số chương trình, nhất là Chương trình 135 và Chương trình hỗ trợ 62 huyện nghèo, tránh trùng lắp giữa hai chương trình này. Đối với Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, tiến độ rừng trồng mới chưa đạt được như mong muốn, nếu tính vốn ngân sách từ năm 2006-2010 thì đã vượt Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị Chính phủ giải trình vấn đề này.

QUANG NHÀN - DUY NHÃ

(lược ghi)

(*)Tựa đề do toà soạn đặt

 

Từ khóa:
Tin liên quan