BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Làm thế nào để giảm thất thu ngân sách? (*)

Cập nhật ngày: 30/10/2009 - 10:21
HTML clipboard

 

Phát biểu ý kiến đóng góp vào dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2010, tại nghị trường kỳ họp Quốc hội (QH) hôm 28.10, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân nhận xét: dự toán đưa đến tay đại biểu quá muộn, nên không thể góp ý được nhiều. Theo ông Xuân, cần phải sửa luật để ĐBQH cùng các cơ quan của QH tham gia sớm hơn, nhằm đảm bảo mức chi hợp lý cho các nhiệm vụ QH giao.

Về bội chi ngân sách, ĐB Xuân cho rằng mức đề nghị 6,5% là cao nhưng nếu  muốn mức bội chi thấp hơn thì phải giảm chi và tăng thu một cách hợp lý, đảm bảo kỷ luật chi để  thực hiện đúng con số tuyệt đối bội chi mà QH sẽ phê duyệt (ví dụ là 125.500 tỷ đồng), chứ không phải càng vượt thu thì càng bội chi cho đủ tỷ lệ bội chi trên GDP như cách làm vừa qua.

Về thu ngân sách, ĐB Nguyễn Đình Xuân nói: “Thất thu lớn là vấn đề được đặt ra trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết thoả đáng, chẳng hạn như thất thu thuế nhập khẩu do nhập lậu, do chuyển giá; thất thu thuế VAT do không xuất hoá đơn; thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp do gian lận về giá bán, do không kê khai thu nhập cá nhân, điển hình là việc đại lý của hãng Honda thường bán xe cao hơn mức công bố và ghi hoá đơn không trung thực nhằm trốn thuế nhưng chưa được xử lý thoả đáng; thất thu thuế tài nguyên khoáng sản do xuất lậu qua biên giới; thất thu do chưa thu được phí dịch vụ môi trường rừng dẫn đến không đủ chi cho bảo vệ và phát triển rừng. Nguyên nhân tình trạng này là do Chính phủ chưa quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan thuế trong việc để thất thu, thường chỉ giao nhiệm vụ thu là một con số cụ thể nên có thể dẫn đến việc chính quyền địa phương cố gắng đàm phán để giao thu thấp hoặc tận thu chỗ này, bỏ lỏng chỗ khác. Việc để lại 2% trên tổng số tiền thu được cho ngành thuế hay giao thẳng 50% lợi nhuận cho ngành dầu khí là chưa hợp lý, làm mất quyền quyết định của QH đối với ngân sách Nhà nước. Theo tôi, các nguồn thu cần phải nộp 100% vào ngân quỹ, sau đó, QH sẽ quyết định mức chi trên đề xuất của đơn vị và cân đối chung”.

Về dự toán chi ngân sách 2010, ông Xuân nhận xét, khoản chi cho các khu kinh tế, thương mại cửa khẩu còn thấp, dàn trải, làm chậm tiến độ đưa vào sử dụng và tạo ra nguồn thu mới. Chính sách ưu đãi thuế quan chưa ổn định làm cho các doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư vào khu vực này. Trong khi đó chi cho các doanh nghiệp nhà nước một số tiền lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội nhưng không  rõ là chi vào những hạng mục nào, chưa tách bạch nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ chính trị xã hội. Hệ số ICOR (hệ số tiêu chuẩn phản ánh hiệu quả của vốn đầu tư -NV) quá cao trong lĩnh vực quốc doanh chưa được giải thích thoả đáng. Tiền là của Nhà nước đầu tư, bảo lãnh cho vay nhưng quyết định đầu tư thì lại là quyền tự chủ kinh doanh của DN dẫn đến thất thoát, lãng phí lớn. Đầu tư cho khoa học công nghệ manh mún, dàn trải nên chưa phát huy được hiệu quả, nhiều đề tài khoa học trùng lập, không hiệu quả nhưng vẫn  cho triển khai để giải ngân trong khi các viện nghiên cứu lại thiếu kinh phí để đầu tư trang thiết bị và triển khai các công trình lớn. Chi trồng rừng tăng nhưng chi bảo vệ rừng không tăng dẫn đến việc thiếu nhân lực, trang bị cần thiết cho lực lượng bảo vệ rừng.

Kết thúc hát biểu của mình, ĐB Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh: “Trên cơ sở các phân tích trên, tôi đề nghị QH cân nhắc tỷ lệ bội chi dưới 6% GDP để tránh lạm phát trên cơ sở tăng nguồn thu, chống thất thu, điều chỉnh và giảm một số hạng mục chi chưa thật hiệu quả”.

DUY NHÃ (Lược ghi)