Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XIII: Ba loại quy hoạch trên đất, nhưng vẫn chưa bao quát
2012-06-02 01:56:00

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đồng ý với quan điểm đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), vì đây cũng là tài nguyên nước, nếu điều chỉnh bằng luật khác thì sẽ có một sự xung đột trong thực thi sau này.

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị bổ sung một số vấn đề như sau:

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương

Đối với Chiến lược quy hoạch tài nguyên nước (Chương II Mục 2, Điều 16), đại biểu Phương cho rằng, quy định tại Điều 16 như dự thảo là chưa bao quát. Do đó, đề nghị bổ sung vào Điểm b, Khoản 1, Điều 16 cụm từ “quy hoạch xây dựng”, đó là “gắn kết với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch của các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước”. Vì thực tế hiện nay có 3 bộ quản lý Nhà nước về thực hiện 3 loại quy hoạch trên cùng một mặt bằng đất đai, đó là quy hoạch kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, quy hoạch sử dụng đất thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch xây dựng thì do Bộ Xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đất với tư cách đất đai là tài nguyên, là thành phần quan trọng nhất, còn quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng thì phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội để xây dựng. Các quy hoạch này là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tương tự, quy hoạch mặt bằng đất đai cũng là công cụ quản lý đất đai, đó là quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng bao gồm yếu tố xây dựng đất đảm bảo phân bổ hợp lý các khu chức năng của đô thị. Quy hoạch này được giao cho Bộ Xây dựng nhưng giữa quy hoạch kinh tế - xã hội và sử dụng đất và việc xây dựng có những điểm chung là phải tích hợp đầy đủ với quy hoạch tổng thể phát triển thì cả ba cùng quy hoạch trên một mặt bằng đất đai và phải sắp xếp mặt bằng này sao cho thực hiện mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, vì thế chúng có mối quan hệ tương hỗ, chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng thời phải được điều hành quản lý đồng bộ. Mặt khác, trong quy hoạch xây dựng còn cụ thể hoá việc quy hoạch nước sinh hoạt ra sao, xử lý nước thải như thế nào theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành tài nguyên môi trường. Chính vì mối quan hệ hữu cơ như thế, nếu không cụ thể hoá quy hoạch xây dựng vào luật thì sẽ khó khăn trong việc thực thi và sẽ có sự hiểu luật một cách khập khiễng, chưa chặt chẽ và không đồng bộ. Đồng thời sẽ không thống nhất với các luật khác, cụ thể như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, do đó đại biểu đề nghị bổ sung như trình bày ở trên.

Về bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể ở Điều 36 là vấn đề xả nước thải vào nguồn nước, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị nhập hai Khoản 1 và 2 thành một khoản và bổ sung thêm khu du lịch, khu vui chơi giải trí vào khoản này. Theo đại biểu, dự thảo phân ra hai khoản như vậy nhưng vẫn chưa đầy đủ để thực thi, vì thực tế các quy định ở hai khoản, khi xây dựng thì phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải và tách rời giữa nước mưa và nước thải. Đồng thời phải phù hợp với quy mô xả nước thải cũng như khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Và điều quan trọng là cả hai lĩnh vực này phải được cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chất lượng trước khi trình duyệt. Thực tế hiện nay, các quy hoạch xây dựng ở phần xử lý nước thải đều phải tách riêng hai nguồn nước, nước mưa và nước thải và đều có lộ trình để tái sử dụng sau này.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đồng ý với quan điểm đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), vì đây cũng là tài nguyên nước, nếu điều chỉnh bằng luật khác thì sẽ có một sự xung đột trong thực thi sau này.

Duy Quang

(Lược ghi)

 

Từ khóa:
Tin liên quan