BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XIII:  Mục tiêu dự trữ quốc gia phải phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia

Cập nhật ngày: 03/06/2012 - 12:00

Ngày 1.6.2012, Quốc hội làm việc ở Tổ thảo luận về dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG), Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số quy định trong Dự thảo luật này còn chưa thống nhất với các luật khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Đấu thầu... Đồng thời, các đại biểu còn đề nghị xem xét một số nội dung cụ thể như sau:

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) phát biểu tại buổi thảo luận nhóm

Về mục tiêu của DTQG (Điều 1) dự thảo luật xác định là nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Các đại biểu cho rằng, quy định như thế là quá rộng so với nguồn lực DTQG và chưa phù hợp với bản chất của DTQG; nên thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cân đối nguồn lực, tránh dàn trải, theo đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia. Có ý kiến cho rằng, hiện nay dự trữ quốc gia thực tế là dự trữ Nhà nước, nếu đặt phạm vi là “dự trữ quốc gia” thì phải bao hàm cả dự trữ của Nhà nước, dự trữ của các thành phần kinh tế và dự trữ của người dân.

Theo các đại biểu, cần phải cân nhắc việc quy định mục tiêu “bình ổn thị trường” của DTQG; vì việc này có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phức tạp trong triển khai thực hiện. Để bình ổn thị trường, Nhà nước đã và đang áp dụng nhiều kênh, nhiều công cụ, biện pháp khác nhau. Dự thảo Luật Giá trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 có quy định về trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực, điều kiện bình ổn thị trường. Nay dự thảo Luật DTQG cũng quy định mục tiêu này, nhưng lại chưa làm rõ là trong điều kiện nào, tình huống nào thì được phép xuất nguồn lực DTQG để tham gia bình ổn thị trường; thẩm quyền quyết định áp dụng bình ổn thị trường…

Về hàng hoá, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành DTQG. theo quy định của dự thảo luật thì phạm vi hàng DTQG bao gồm các loại vật tư, hàng hoá thiết yếu; các đại biểu cho rằng, để tăng cường tiềm lực DTQG cần xem xét bổ sung dự trữ vàng và một số loại khoáng sản đặc biệt quan trọng. Về nguồn hình thành DTQG, dự thảo luật quy định “DTQG được hình thành từ NSNN do Quốc hội quyết định”; có đại biểu đề nghị, trong điều kiện hiện nay khi tiềm lực NSNN có hạn, để tăng cường sức mạnh DTQG thì cần thiết phải có quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích, động viên sự đóng góp của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động DTQG…

Về thẩm quyền phê duyệt chiến lược DTQG, các đại biểu cho rằng dự thảo luật quy định “Thủ tướng phê duyệt chiến lược DTQG, quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG, kế hoạch 5 năm và hằng năm về DTQG” là chưa hợp lý vì chiến lược, kế hoạch phát triển DTQG là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến nguồn lực NSNN, đến an ninh, quốc phòng. Do vậy, cần quy định Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội và với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 Về thẩm quyền nhập, xuất hàng DTQG, theo quy định của dự thảo luật thì phần lớn việc nhập, xuất hàng DTQG đều do cá nhân Thủ tướng và Bộ Tài chính quyết định (trừ số ít trường hợp do một số bộ khác quyết định), đại biểu đề nghị, việc nhập, xuất hàng DTQG ở quy mô lớn, có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng không quá cấp bách thì cần được tập thể Chính phủ xem xét, quyết định. Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định “Chi cho tăng dự trữ quốc gia và mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất trong năm kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước”, vì quy định trên chưa thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, chi bổ sung dự trữ Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của Ngân sách Trung ương và thuộc chi đầu tư phát triển, không thuộc chi thường xuyên.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tây Ninh còn có ý kiến về các vấn đề quy hoạch quỹ đất sử dụng xây dựng kho DTQG; Thanh tra chuyên ngành DTQG..

Duy - Quang

(lược ghi)