Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đại biểu Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét thêm một số nội dung cần phải được làm rõ trong dự án Luật.
Tại buổi làm việc tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (gọi tắt là dự án Luật), đại biểu Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét thêm một số nội dung cần phải được làm rõ trong dự án Luật.
Đại biểu Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh |
Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư với những mục tiêu và quan điểm chỉ đạo dự án Luật, đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng đã thể chế hoá nhiều nội dung quan trọng về định hướng hoàn thiện chế định luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng. Tuy nhiên, do một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật về tố tụng, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung của dự án Luật với các quy định có liên quan của pháp luật tố tụng.
Để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, trong đó có việc quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư; đại biểu Lê Minh Trọng đồng ý đối với người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì nên giữ như quy định hiện hành. Đối với các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng) cần quy định bắt buộc phải qua đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư một thời gian nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Theo đó, đối với Công chứng viên, Chấp hành viên, Thừa phát lại không nên đưa vào diện được miễn đào tạo nghề luật sư vì họ chưa được đào tạo nghề tiến hành tố tụng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không cấm hành nghề luật sư đối với “người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xoá án tích”, quy định này nhằm tạo thêm cơ hội hướng thiện và cơ hội hành nghề cho những người đã từng phạm tội. Đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng, với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố hết sức quan trọng. Do đó, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết. Vì vậy, đại biểu Lê Minh Trọng không đồng tình việc Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đưa trường hợp “người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xoá án tích” ra khỏi diện bị cấm hành nghề. Đại biểu đề nghị, vấn đề này cần giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.
Cũng theo dự án Luật thì “viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật” vẫn thuộc diện được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tờ trình của Chính phủ cho rằng, quy định này nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư, góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư, tạo điều kiện cho viên chức giảng dạy pháp luật có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Trọng nhận định, việc phát triển nhanh đội ngũ luật sư phải gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng, trong đó có yêu cầu chuyên nghiệp hoá cao của đội ngũ luật sư; việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được “kiêm nhiệm” hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Đại biểu Lê Minh Trọng còn nhận định, số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, nhiệm vụ chủ yếu và hết sức quan trọng của họ là đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Trong khi việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, mà hoạt động tố tụng thì chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính, do đó giảng viên không thể làm thêm nghề luật sư trong giờ hành chính được. Như vậy, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng.
Về quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, dự án Luật quy định đối với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, đồng thời, thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa cần được sửa đổi theo hướng đơn giản hoá hơn. Đối với vần đề này, đại biểu Lê Minh Trọng đề nghị cần quy định rõ các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa; làm như thế cũng chính là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư, cũng như bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ.
DUY QUANG
(Lược ghi)