Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thảo luận Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế tại kỳ họp Quốc hội đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) phát biểu...
Thảo luận Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế tại kỳ họp Quốc hội chiều ngày 8.6.2012, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) phát biểu nhận định: Nền kinh tế của nước ta hiện nay bộc lộ không ít yếu kém nội tại, lạm phát luôn ở mức cao, năng lực cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng nội địa thấp, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động còn bất hợp lý v.v... Hệ quả là tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm, không có khả năng đạt mức tăng trưởng cao như trước. Do vậy, đại biểu cho rằng đề án tái cấu trúc nền kinh tế cần đánh giá lại các chính sách kinh tế, trên cơ sở đó hoạch định cho được các chính sách kinh tế mới và mở đường cho nền kinh tế phát triển bền vững.
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp |
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương lưu ý là cần bổ sung thêm và đánh giá lại quá trình sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là việc thu nợ đọng, vấn đề cân đối ngân sách trong thời gian qua, vấn đề chi tiêu công cũng như vấn đề nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Có như vậy khi triển khai thì đề án mới đưa ra được những chính sách hợp lý để điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế nước ta đang gặp khó khăn.
Trong giải pháp về nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với quy hoạch phát triển, đại biểu Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Trung ương rà soát, chấn chỉnh lại các quy hoạch sao cho đồng bộ. Giữa các bộ, ngành phải có tiếng nói chung trong các quy hoạch.
Theo đại biểu Phương, trong đề án Chính phủ cần phải có giải pháp điều hành chính sách vĩ mô làm sao vừa đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư công cho tam nông và vừa phát triển kinh tế. Ví dụ Chính phủ có thể yêu cầu ngân hàng Trung ương hỗ trợ khuyến khích và tiếp vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tam nông một cách đồng bộ hoặc chiến lược phát triển bất động sản, cần đề cao phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhất là năm 2011 hơn 50.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất, công nhân đang gặp khó khăn về nhà ở lại càng khó khăn hơn. Cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn trái phiếu, vốn ODA tốt hơn. Bởi thực tế cho thấy, các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển sẽ tạo việc làm cho người lao động, kể cả số lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc bị mất việc do cải cách thu hẹp quy hoạch tương đối của các doanh nghiệp Nhà nước.
Về giải pháp cụ thể, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi cơ chế phân bổ nguồn vốn đầu tư sao cho linh hoạt và uyển chuyển, vì hiện nay cơ chế này còn rập khuôn và cứng nhắc. Điển hình như ở Tây Ninh, nguồn thu từ xổ số rất lớn, theo quy định nguồn thu từ xổ số 70% để đầu tư cho giáo dục và y tế, 30% còn lại để đầu tư cho các công trình phúc lợi. Tuy nhiên, trong thời gian nhiều năm qua trong vấn đề đầu tư về giáo dục, y tế hàng năm cũng như trong vấn đề phúc lợi xã hội ở Tây Ninh vẫn còn dư. Xin điều chuyển nguồn đó để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Việc này Tây Ninh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ nhưng chưa được. Hoặc xem các công trình hạ tầng giao thông hiện nay cũng như công trình phúc lợi để chuyển nguồn đó đầu tư cho giao thông, nhưng chưa được sự đồng thuận của Chính phủ. Chính vì vậy, trong đề án tái cơ cấu lần này, trong các đề án thành phần đại biểu mong muốn Chính phủ nghiên cứu xem xét thay đổi cơ chế đầu tư, cơ chế phân bổ nguồn vốn làm sao cho hợp lý để các tỉnh chủ động trong nguồn kinh phí có được của tỉnh mình.
Duy-Quang
(Lược ghi)