Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chính sách tiền tệ quốc gia
Thứ tư: 05:40 ngày 11/11/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thảo luận dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), các ĐBQH đoàn Tây Ninh đồng tình cho rằng trong điều kiện hiện nay Luật hiện hành có những điều, khoản không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội.

Đại  biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ đang phát biểu.

Ngày 10.11, thảo luận dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), các ĐBQH đoàn Tây Ninh đồng tình cho rằng trong điều kiện hiện nay Luật hiện hành có những điều, khoản không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội; tuy nhiên, dự thảo Luật NHNN (sửa đổi) vẫn còn một số điểm quan trọng cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Theo các đại biểu, dự thảo Luật chưa làm rõ vị trí pháp lý của NHNN, tính tự chủ của NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT); việc phân cấp chức năng, nhiệm vụ giữa Chính phủ và NHNN. Thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định CSTT quốc gia cũng chưa được quy định đầy đủ nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Các điều kiện về việc cung cấp thông tin, báo cáo để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát cũng chưa được thể hiện trong dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng cần thiết phải xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng hiện đại, theo đó, NHNN là cơ quan độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật, được chủ động hoạch định và thực thi CSTT quốc gia.

Về phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong việc hoạch định và điều hành CSTT, theo đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai cần phải làm rõ khái niệm “mức lạm phát định hướng”, “chỉ tiêu lạm phát và định hướng điều hành CSTT quốc gia”. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm, Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá để chỉ đạo việc điều hành của NHNN.

Về lãi suất, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đồng tình với quan điểm không quy định về lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật. Điều này là hợp lý do căn cứ để xác định lãi suất cơ bản không rõ, trong khi NHNN quy định nhiều loại lãi suất khác để phục vụ công tác điều hành (như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu,...). Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến việc các quy định liên quan đến lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự (Điều 474, 475 và 476) sẽ không còn căn cứ để thực hiện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các quy định liên quan đến lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự theo hướng: Khống chế mức lãi suất cao nhất trong các quan hệ dân sự, không liên quan đến lãi suất của tổ chức tín dụng (TCTD), trên cơ sở căn cứ vào một loại lãi suất do NHNN công bố để ngăn ngừa tình trạng cho vay nặng lãi trong nhân dân.

Dự thảo Luật quy định NHNN thực hiện chức năng giám sát ngân hàng (Điều 52) và được phép giám sát đối với mọi hoạt động của TCTD (bao gồm cả công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm có vốn đầu tư của TCTD). Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai đề nghị làm rõ chủ trương có thành lập cơ quan giám sát tài chính (giám sát toàn bộ hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) hay không để đảm bảo tính ổn định của luật. Liên quan đến vấn đề kiểm soát nội bộ, thanh tra hành chính trong hệ thống NHNN, dự thảo Luật chưa quy định rõ các chức năng này, đề nghị cần có quy định rõ trong dự thảo Luật.     

Về kiểm tra nghiệp vụ phát hành tiền, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ đề nghị quy định “Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện quy chế nghiệp vụ phát hành tiền, Bộ Công an giám sát quá trình in, đúc, tiêu huỷ tiền”. Đại biểu không đồng ý chỉ giao cho Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện nghiệp vụ in, đúc và tiêu huỷ tiền mà không có sự tham gia của Bộ Công an.

Dự thảo Luật quy định “Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản và thực hiện các giao dịch cho Kho bạc Nhà nước. Ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lỵ, thành phố trực thuộc Trung ương, Kho bạc Nhà nước chỉ được mở và sử dụng tài khoản tại các ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng quy định như thế là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiền của Kho bạc Nhà nước phải được gửi ở Ngân hàng Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và kiểm soát lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước, phục vụ mục tiêu điều hành của CSTT quốc gia.

Đại  biểu Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu.

Ngày 11.11, Quốc hội thảo luận dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ đề nghị bổ sung Ngân hàng Thương mại Nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và dưới hình thức công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Về điều kiện khai trương hoạt động cần quy định để được khai trương hoạt động các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép phải có trụ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn tài sản; có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động của TCTD…

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ đề nghị cần làm rõ hai cụm từ “ngừng giao dịch” và cụm từ “ngừng hoạt động kinh doanh” trong một số điều luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu: dự thảo luật quy định, Ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai đề nghị cần bổ sung thêm Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, vì các ngân hàng này cũng hoạt động vì mục tiêu không lợi nhuận.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai còn đề nghị phải quy định rõ ràng về việc: TCTD bị thu hồi giấy phép phải chấm dứt ngay các hoạt động kinh doanh đang thực hiện, thì hậu quả pháp lý và việc xử lý như thế nào đối với TCTD, người cho vay, người vay, vốn vay, nợ vay? Đồng thời đối với trường hợp thu hồi giấy phép sai, thì cơ quan thu hồi sai đó phải chịu trách nhiệm như thế nào?

QUANG NHÀN

(lược ghi)

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục