BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Tiết kiệm 20% năng lượng đang thất thoát, sẽ không cần xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Cập nhật ngày: 25/11/2009 - 05:23

 

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại hội trường.

Chiều ngày 24.11.2009, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận định việc ban hành Luật này là cần thiết vì chúng ta đang phải đối mặt với sự khan hiếm các nguồn năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo cũng có nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng khái niệm tiết kiệm tức là sử dụng một cách ít tiêu tốn nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, chứ còn không hiệu quả thì không gọi là tiết kiệm, như vậy, từ “hiệu quả” trong tên luật này là thừa. Nhưng nếu bỏ từ “hiệu quả” thì nó còn “luật sử dụng năng lượng tiết kiệm” lại cũng không ổn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi, tức là sẽ làm Luật Tiết kiệm năng lượng, thậm chí là Luật Năng lượng. Theo đại biểu, Luật Tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả vấn đề khai thác, kinh doanh, sử dụng năng lượng có hiệu quả. Đại biểu cho rằng việc khai thác năng lượng hiện nay còn nhiều lãng phí: “khí đồng hành chúng ta đốt bỏ, rồi than chúng ta lấy được phần nào thì lấy, có những phần bỏ lại trong lòng đất v.v... Vấn đề trung chuyển cũng rơi rớt lãng phí, đặc biệt tổn thất điện năng hiện nay cũng ở mức rất cao, trong khi chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều trong khâu trung gian tới khâu mua bán và cuối cùng là khâu tiêu dùng”.

Về đối tượng, đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận xét dự án Luật nhắm vào người tiêu dùng là chủ yếu, và cho rằng cần phải mở rộng ra, trong đó đối tượng gồm có cả Nhà nước, nhà quản lý, nhà khai thác kinh doanh mới đến người tiêu dùng. Để làm được việc tiết kiệm năng lượng, đại biểu đề xuất cần phải có một cơ quan kiểm toán năng lượng, với sự đầu tư nguồn nhân lực, vật lực tương đối để làm việc tốt và có những giải pháp tốt. Để làm việc này tất nhiên cần phải có chi phí, nhưng chi phí để tiết kiệm năng lượng thì rẻ và an toàn hơn rất nhiều so với chi phí tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Có người cho rằng, nước ta đang lãng phí khoảng 20% năng lượng. Nếu tiết kiệm được 20% năng lượng lãng phí đó, thậm chí không cần làm nhà máy điện hạt nhân vẫn đủ năng lượng cho đất nước phát triển ổn định. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận xét, dự án Luật này là rất ít chế tài: “Khá nhiều những cái chung chung theo kiểu nghị quyết, khẩu hiệu, còn chế tài cụ thể thì quá ít. Tôi đề nghị chúng ta đưa những chế tài một cách mạnh mẽ vào. Không phải là người có tiền thì có quyền xài năng lượng một cách thoải mái, và chúng ta phải định mức cho được đối với một đơn vị sản phẩm dùng bao nhiêu năng lượng là vừa phải. Nếu vượt quá thì phải bị phạt hoặc là bị tính giá rất cao, và giá chênh lệch thu được này không phải là giao cho ngành cung cấp năng lượng mà giao cho một quỹ để đầu tư vào những dự án tiết kiệm năng lượng. Tức là lấy tiền của chính người lãng phí để đầu tư vào những công trình sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân còn bày tỏ sự mong muốn rằng trong dự án Luật nêu những biện pháp cụ thể hơn để hỗ trợ cho việc tái tạo năng lượng nhằm tiết kiệm năng lượng, ví dụ điện mặt trời và điện gió. Đại biểu nêu ví dụ: Vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh có chương trình tài trợ cho các gia đình sử dụng nước nóng bằng năng lượng mặt trời, đồng thời cho rằng việc này cần được nhân rộng và có những tài trợ phù hợp cho nhiều loại năng lượng được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Thanh Nhàn

(lược ghi)