BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Tổ chức góp ý dự án Luật

Cập nhật ngày: 15/05/2014 - 06:27

Tham dự hội nghị có bà Phan Thị Điệp- Phó chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện TAND, Viện KSND Tây Ninh cùng một số đơn vị liên quan.

Quang cảnh hội nghị

Các ý kiến tại hội nghị đều thể hiện sự đồng tình với quy định Viện KSND được tổ chức theo hệ thống 4 cấp, trong đó có một cấp mới, đó là Viện KSND cấp cao với chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao.

Đối với dự án Luật Tổ chức TAND, các đại biểu đồng thuận với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, điều này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức TAND cấp huyện.

Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực cũng không cần có nguồn nhân lực lớn hay cơ sở vật chất đồ sộ, và cũng không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại toà.

Hiện nay, số lượng các vụ việc phải giải quyết của toà án cấp huyện phụ thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại…

Các đại biểu cũng góp ý, cần xem xét lại việc áp dụng án lệ (điểm C khoản 2 điều 12) vào trong Luật Tổ chức TAND, vì án lệ cũng không thay thế các văn bản quy định pháp luật, TAND tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật.

Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định hai ngạch đối với thẩm phán, đó là Thẩm phán tối cao và Thẩm phán, vì theo quy định của pháp luật, thẩm phán là người nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Việc định ra các chức danh thẩm phán (TAND cấp cao, trung cấp và sơ cấp) như vậy có thể tạo ra sự hiểu lầm về trình độ, năng lực của Thẩm phán, ít nhiều ảnh hưởng đến lòng tin và sự tín nhiệm của người dân đối với các Thẩm phán sơ cấp, trung cấp.

Đa số các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định: thời hạn bổ nhiệm lần đầu của Kiểm sát viên là 5 năm, trường hợp bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các Kiểm sát viên. Đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn, và nhiệm kỳ của Thẩm phán khác là 10 năm.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, việc kéo dài nhiệm kỳ như vậy có thể gây ra những tiêu cực và nhũng nhiễu trong quá trình làm việc.

Phát biểu kết thúc, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết, những ý kiến phản ánh, đóng góp tại hội nghị sẽ được tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Hoa Lư