Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH tỉnh: Cần quan tâm đặc biệt đến chất lượng công trình xây dựng trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên
Thứ ba: 05:52 ngày 14/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đề án kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên được triển khai từ năm 2003, từ năm 2003 đến năm 2010, Tây Ninh đã sử dụng gần 134 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách tập trung của tỉnh.

(BTNO) - Nằm trong chương trình giám sát đánh giá tình hình thực hiện phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2003 – 2010, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tây Ninh và Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Tây Ninh về tình hình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ trong Đề án Kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Nhà công vụ cho giáo viên ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên (ảnh minh hoạ)

Đề án kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên được triển khai từ năm 2003, đến năm 2010, Tây Ninh đã sử dụng gần 134 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách tập trung của tỉnh, đã xây dựng 567 phòng học kiên cố và 59 nhà công vụ. Tuy nhiên, hiện nay ngành GD&ĐT Tây Ninh đang gặp khó khăn vì thiếu vốn thanh toán khối lượng các công trình đã hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Thành Kỉnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chỉ riêng khối huyện - thị, khối lượng công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng tương ứng với khoảng 100 tỷ đồng, ngành vẫn còn nợ các nhà thầu. Nguyên nhân, theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, lúc lập dự án thì dự kiến nguồn kinh phí trên 500 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của Trung ương là 30%, vốn của tỉnh 70% chủ yếu từ nguồn xổ số kiến thiết. Tiến độ triển khai công trình của ngành GD&ĐT rất nhanh nên khi có biến động giá, kinh phí xây dựng 1 phòng học tăng lên gấp nhiều lần nguồn vốn, dẫn đến việc kinh phí bị hụt. Ban chỉ đạo thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp tỉnh Tây Ninh đang làm tờ trình xin tăng tỷ lệ vốn đối ứng của Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đánh giá cao sự nỗ lực của ngành GD&ĐT và các ngành chức năng trong tỉnh đối với việc thực hiện đề án. Những năm qua, chương trình này đã góp phần lớn trong việc tăng cường cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá, hiện đạ, được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Các đại biểu trong đoàn giám sát đã đề xuất nên đầu tư tập trung để phát huy hiệu quả sử dụng và lưu ý nhiều vấn đề liên quan đến bảo đảm chất lượng công trình; các đại biểu yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhà thầu trong quá trình thi công. Đồng thời lưu ý ngành GD&ĐT cần quan tâm nhiều hơn, sớm hoàn tất các hạng mục phụ trong công trình như: hàng rào, đường nội bộ, cây xanh, nhà vệ sinh… để khi hoàn tất quá trình xây dựng, các trường tiến tới đạt chuẩn quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh đề nghị: Sở GD&ĐT khẩn trương hoàn tất các hồ sơ thủ tục để ứng tiếp nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, phân khai nhanh nguồn kinh phí chuyển nguồn của tỉnh. Ngoài nguồn vốn chuyển nguồn, có thể ứng trước nguồn vốn từ xổ số kiến thiết để thanh toán cho khối lượng công trình đã hoàn thành, nhằm giảm áp lực cho ngành. Đối với các dự án do UBND huyện/thị làm chủ đầu tư, ngành Giáo dục cũng cần có trách nhiệm quan tâm, tham mưu tích cực, hỗ trợ cho các huyện/thị hoàn thành dự án, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, ngành cũng cần lưu ý đến việc triển khai xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, tạo điều kiện để các thầy cô giáo yên tâm dạy tốt.

PHƯƠNG NGUYỆT

s
Từ khóa:
Tin liên quan