BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh: Góp ý Dự án luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

Cập nhật ngày: 15/03/2014 - 06:46

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung xoay quanh 5 vấn đề lớn cần ý kiến đóng góp để sửa đổi, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành về phân định nhiệm vụ giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Hội đồng dân tộc; Đề nghị nâng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ủy ban dân nguyện của Quốc hội.

Quang cảnh hội nghị

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn thư ký kỳ họp là cơ quan do Quốc hội bầu cũng được dự thảo Luật tổ chức Quốc hội đưa vào dự án chỉnh sửa trong đợt này.

Thảo luận góp ý sửa đổi các nội dung trong dự thảo, các đại biểu đồng thuận với nội dung được nêu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng trong dự thảo vẫn còn một số điều cần phải cụ thể hơn. Đơn cử, đại biểu Đặng Thị Phượng cho rằng, tại Khoản 2 điều 112 quy định ĐBQH hoạt động không chuyên trách có trách nhiệm dành “đủ thời gian” để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH là không rõ ràng, không có định lượng cụ thể, như vậy sẽ không phù hợp với đối tượng là đại biểu không chuyên trách hoạt động kiêm nhiệm và chắc chắn sẽ không khả thi.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được quy định tại điều 21 Dự thảo luật là chưa đủ, cần quy định cụ thể vấn đề lấy phiếu tín nhiệm trong Luật Tổ chức Quốc hội trên cơ sở kế thừa có sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế.

Một số đại biểu cho rằng, cần quy định một cách cụ thể bao nhiêu % đại biểu chuyên trách Trung ương và bao nhiêu đại biểu chuyên trách là địa phương. Vì hiện nay các đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong khi đại biểu hoạt động chuyên trách tại địa phương cũng chỉ là một đại biểu suốt các nhiệm kỳ, đây là điều chưa hợp lý.

Đồng thời, đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng cần tính đến độ tuổi làm việc, bởi lao động tác nghiệp của ĐBQH mang tính đặc thù, yêu cầu kinh nghiệm. Các đại biểu cũng góp ý, để trách tình trạng công kích nhau, tránh những phát ngôn mang tính chất cá nhân, tại Khoản 2 điều 123 cần phải bổ sung thêm “đại biểu phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về nội dung phát biểu của mình”.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Hoa Lư