Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đoàn ĐBQH tỉnh: Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Thứ ba: 18:23 ngày 14/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 14.5, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Pháp luật hiện hành điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên đang tồn tại một số hạn chế như hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hoá giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã có quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hoà nhập cộng đồng chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hoá đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là rất cần thiết. Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 166 điều, quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Dự án luật quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và thi hành án phạt tù; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên… 

Tại hội nghị, đại biểu đề nghị cần sắp xếp các biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 34 theo mức độ từ nhẹ đến nặng, từ đơn giản đến phức tạp; đối với biện pháp “cấm đến một địa điểm nhất định” cần chỉnh sửa hợp lý, vì quy định như trên sẽ vi phạm đến quyền đi lại của công dân; bổ sung “lao động công ích” vào biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Về cụm từ “xử lý chuyển hướng”, đại biểu ý kiến nên quy định thành “chuyển hướng xử lý” vì nhiệm vụ của luật này là chuyển từ xử lý biện pháp hình sự sang các biện pháp giáo dục, phòng ngừa khác.

Đại biểu tham gia góp ý với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đối với quy định về chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng, đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể về thời gian, số lần gặp thân nhân, liên lạc qua điện thoại với thân nhân trong tuần, tháng. Về giải quyết trường hợp học sinh có việc tang hoặc trường hợp khó khăn đặc biệt cần quy định cụ thể về những trường hợp khó khăn đặc biệt.

Đối với quy định về nhân viên công tác xã hội trong khoản 10, 11 Điều 4; Điều 52; Điều 53, cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc việc quy định vai trò của nhân viên công tác xã hội (thực hiện báo cáo điều tra xã hội, tham gia tố tụng…), họ thuộc cơ quan nào, do ai quản lý, có làm phát sinh thêm bộ máy biên chế hoặc kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để họ thực hiện nhiệm vụ không. Có ý kiến đề nghị xem xét thay “nhân viên công tác xã hội” bằng lực lượng trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý ký hợp đồng và được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước phân công, phù hợp với chức năng thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định song song quyền tự bào chữa của người chưa thành niên và quyền nhờ người khác bào chữa (khoản 1 Điều 14); xem xét quy định tách bạch về quyền được bào chữa và quyền được bảo vệ tại Điều 14; bổ sung quyền được bảo vệ người chưa thành niên là bị hại tại Điều 22; bổ sung thêm 1 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

Luật sư Phan Văn Vĩnh- Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh tham gia góp ý với dự án Luật.

Đại biểu cho rằng, tất cả người chưa thành niên đều được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước, không phân biệt người đó là bị hại hay là người bị buộc tội trong vụ án hình sự nên thống nhất sửa đổi, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý (khoản 3, Điều 165 dự án Luật).

Ngoài ra, hiện nay có nhiều luật liên quan (Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự…) còn sử dụng khái niệm “người dưới 18 tuổi” mà không dùng khái niệm “người chưa thành niên”, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh quy định các khái niệm nêu trên bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Tại Điều 128 quy định giám sát điện tử, cơ quan soạn thảo cần xem xét đến các yếu tố về sự riêng tư trong giám sát, sự kỳ thị của cộng đồng đối với người bị buộc phải đeo thiết bị này, điều kiện thực tế để bảo đảm nguồn lực thực hiện, tính khả thi.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Thuý ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Các ý kiến sẽ được tiếp thu, xem xét và tổng hợp để Đoàn ĐBQH tỉnh làm cơ sở tham gia đóng góp tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục