BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Cần có cơ chế phối hợp xử lý thông tin tố cáo

Cập nhật ngày: 27/10/2011 - 09:16

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương

Trong phiên thảo luận ở hội trường buổi sáng ngày 25.10.2011, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng việc mở rộng cho người nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam có quyền được tố cáo là phù hợp với tình hình thực tế khi đất nước hội nhập.

Bởi lẽ hiện nay vấn đề tham nhũng và vi phạm pháp luật liên quan đến nhiều dự án nước ngoài đã, đang xảy ra khá phức tạp; đại biểu đề nghị trong dự thảo luật ngoài quy định có nơi cư trú còn  phải có quy định những hoạt động liên quan đến kinh tế, xã hội (ở Khoản 1 Điều 3).

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đồng tình trong dự thảo Luật Tố cáo có bổ sung chương mới về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên trong luật cũng cần quy định rõ thế nào là giữ đúng bí mật thông tin của người tố cáo, vì trong thực tế có nhiều trường hợp khi nhận đơn tố cáo nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, như vậy có phải là làm lộ thông tin của người tố cáo không? Đề nghị cần làm rõ nội dung trên, nếu chưa được làm rõ sẽ dễ bị xử lý về tội làm lộ thông tin. Đại biểu Phương cũng đề nghị trong luật cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo trong trường hợp chưa xác minh hoặc khi bị tố cáo oan sai, vu cáo có động cơ xấu; có cơ chế quy định rõ ràng, công khai, minh bạch với toàn dân để ngăn chặn những người xấu lợi dụng pháp luật phục vụ cho tư thù cá nhân, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với người bị tố cáo oan sai.

Trong luật cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để xử lý thông tin và xử lý hành vi vi phạm theo đúng pháp luật; đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị bổ sung: “Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo” vào Điều 6 dự thảo luật. Luật Tố cáo cần quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền khi không giải quyết tố cáo hoặc chậm giải quyết hay kết quả giải quyết sai, không nên quy định chung chung như người có trách nhiệm giải quyết tố cáo không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc cố tình giải quyết trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật như Điều 5 quy định.

Đáng chú ý, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng dự thảo luật quy định về thời hiệu tố cáo là không phù hợp, vì một người chịu trách nhiệm về các hậu quả do họ gây ra, nhưng không ít trường hợp hành vi vi phạm pháp luật đó bị che giấu, nếu quy định như vậy thì việc xâm phạm quyền và lợi ích của người khác được che giấu trong 2, 3 năm, đến khi hết thời hiệu thì người vi phạm sẽ không chịu trách nhiệm gì thì không thể chấp nhận được. Đại biểu đề nghị phát hiện vi phạm ở thời điểm nào thì có quyền tố cáo tại thời điểm đó.

DUY QUANG