BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Cần tìm ra kẽ hở pháp luật để phòng chống tham nhũng có hiệu quả

Cập nhật ngày: 06/11/2009 - 05:06

 

ĐB Đặng Vũ Minh báo cáo thẩm tra tại kỳ họp.

Hôm qua, 6.11.2009, buổi sáng Quốc hội làm việc tại hội trường nghe  Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo về tình hình thực hiện các dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Thuỷ điện Sơn La; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo về tình hình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng báo cáo về tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh. Sau đó, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) trình bày báo cáo thẩm tra về các báo cáo trên. Tại phiên họp này, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày các Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày các Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Thuế nhà, đất. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế nhà, đất.

Trước đó, ngày 5.11.2009 Quốc hội thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; công tác thi hành án. Phát biểu về các nội dung này,  ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề: từ nhiều năm qua thu nhập của ngành tư pháp quá thấp, dẫn đến việc không tuyển dụng được người có trình độ mà còn chảy máu chất xám, nhiều người có năng lực bỏ ra ngoài làm luật sư với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần: “Chúng ta giao cho họ quyền được thay mặt Nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết định bản án, yêu cầu họ phải tuyệt đối liêm khiết nhưng lại trả lương quá thấp, sao tránh khỏi sa ngã? Tôi tin là QH sẽ nhất trí cao với đề xuất tăng lương cho ngành tư pháp, đặc biệt là những người làm công tác trực tiếp phòng chống tội phạm lên mức cao nhất có thể. Tất nhiên là thu nhập cao thì năng lực, trách nhiệm cũng phải cao tương xứng, ai không đảm bảo thì cần phải bị đào thải để tuyển dụng, bổ nhiệm người khác tốt hơn”.

ĐB Xuân còn lưu ý vấn đề án treo quá nhiều, đặc biệt là án liên quan đến tham nhũng, và đồng ý cho rằng đó là sự nhân đạo của Nhà nước ta, nhưng ĐB nhấn mạnh “Sự nhân đạo được quy định trong luật pháp chứ không phải là do ý chí chủ quan của ông quan toà. Về các vụ việc hành chính, người dân khiếu nại nhiều nhưng rất ít đưa ra toà do không tin tưởng vào sự công minh, khách quan của ông thẩm phán khi xét xử bị đơn là ông chủ tịch UBND cùng cấp. Vấn đề này cần được giải quyết trong quá trình cải cách tư pháp sắp tới”.

ĐB Xuân còn nhận xét “việc khiếu nại bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, Toà giải quyết được quá ít dù nhiều vụ việc đã có ý kiến của ĐBQH, các cơ quan của QH. Điển hình là việc kết án tù chung thân đối với một phạm nhân ở Tây Ninh, chúng tôi đã chuyển đơn và kiến nghị từ 2 năm qua nhưng chưa được giải quyết. Tại sao lúc luận tội ghi rõ là buôn bán trái phép chất tân dược gây nghiện mà khi lượng hình lại quy tất cả khối lượng thuốc tân dược thành ma tuý để phạt bị cáo ở khung cao nhất? Việc này tôi cũng đã xin ý kiến của các vị lãnh đạo UB Tư pháp, UB Pháp luật của QH và các vị đều thấy có cơ sở để xem xét lại. Về chống tham nhũng, chúng ta đã có luật, đã thành lập các tổ chức phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Theo tôi, có phần là do lực lượng chúng ta còn dàn trải, cần phải tập trung lực lượng giải quyết triệt để tại một vài ngành trọng điểm, tìm ra nguyên nhân phát sinh tham nhũng để loại trừ chứ không chỉ phát hiện ở đâu thì xử lý ở đấy. Sau đó, nhân rộng ra cả nước. Cần tìm ra những kẽ hở trong pháp luật, quy trình, thủ tục hay sự lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến phát sinh tham nhũng rồi sửa chữa đi thì mới mong giải quyết được quốc nạn này”.

QN – DN

(lược ghi)