Đại biểu Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ.
ĐBQH Nguyễn Thành Tâm |
Sáng ngày 21.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ và dự thảo Luật Đo lường. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm phát biểu tán thành chỉ có 2 cấp lưu trữ ở Trung ương và ở tỉnh; tuy nhiên đại biểu Tâm đề xuất cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thêm trong luật phải có quy định về việc sắp xếp và chuyển giao lưu trữ tại cấp huyện, cấp tỉnh, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực thi hành nhưng chuyển giao thực hiện không kịp thời; gây ra tình trạng thất thoát và hư hỏng tài liệu lịch sử cũng như không giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, tài sản... đang được quản lý ở cấp huyện.
Về sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử quy định tại Điều 30, đại biểu cơ bản thống nhất trong một số trường hợp đặc biệt có thể chưa công khai các tài liệu lưu trữ lịch sử theo quy định chung của điều này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị trong luật phải quy định rõ hơn các điều kiện nguyên tắc cơ bản để Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt (tại Khoản 5, Điều 30) cũng như các điều kiện nguyên tắc để xác định cơ quan có thẩm quyền xác định các tài liệu chưa được sử dụng rộng rãi (tại Khoản 6, Điều 30).
Về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ (quy định tại Điều 35), đại biểu Tâm đề nghị trong luật cần quy định rõ và xác định rõ việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ thuộc hệ thống đào tạo dạy nghề của quốc gia hay một hệ thống đào tạo riêng. Nếu đây là hệ thống riêng thì trong luật cũng phải quy định nguyên tắc điều kiện cụ thể giao cho Chính phủ quyết định việc đào tạo hệ thống lưu trữ này. Nếu đây là một trong các nghề như các ngành nghề khác thì cần quy định giao lại cho hệ thống giáo dục làm chức năng, nhiệm vụ hoặc giao cho hệ thống dạy nghề mà không cần quy định riêng trong dự thảo luật về việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho hệ thống nghiệp vụ lưu trữ.
Về xã hội hoá hoạt động lưu trữ (quy định tại Điều 36, Điều 37 của dự thảo luật), đại biểu Tâm đồng ý với quan điểm khuyến khích hoạt động xã hội hoá trong hoạt động lưu trữ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cũng cần nghiên cứu mở rộng hơn nữa phạm vi cung cấp dịch vụ. Bởi vì như quy định Điểm a, Khoản 3, Điều 36 các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ chỉ được phép làm nhiệm vụ bảo quản chỉnh lý, sắp xếp và số hoá tài liệu lưu trữ, hoạt động nghiên cứu về chuyển giao khoa học về hoạt động lưu trữ. Đại biểu cho rằng trong luật chỉ cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ tiếp xúc với các tài liệu không thuộc bí mật quốc gia. Do đó có thể mở rộng phạm vi cung cấp đầy đủ các hoạt động như trong khái niệm về hoạt động lưu trữ đã định nghĩa trong Điều 3.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng đề nghị cân nhắc về việc quy định cá nhân hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ phải có chứng chỉ về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ. Trong điều kiện hiện nay, đại biểu cho rằng cần phải khuyến khích các hoạt động dịch vụ này để giảm áp lực về kinh phí của ngân sách Nhà nước. Hiện nay có các đơn vị làm dịch vụ lưu trữ cũng rất hạn chế nên việc quy định phải có chứng chỉ hành nghề là một rào cản đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, do đó cần cân nhắc lại là bỏ việc phải có chứng chỉ hành nghề, chúng ta quy định những điều kiện đối với người hành nghề hoạt động lưu trữ vào trong các điều kiện để được phép hoạt động lưu trữ và xem đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, thực hiện chế độ hậu kiểm đối với hoạt động lưu trữ.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm, luật cần có quy định rõ hơn về cơ quan có thẩm quyền xác định những tài liệu lưu trữ liên quan đến an ninh quốc gia, buộc phải hiến tặng hoặc bán cho lưu trữ lịch sử, đồng thời cũng phải có quy định chế tài để thực hiện việc này nhằm đảm bảo tính khả thi (quy định tại Khoản 3, Điều 5 dự thảo luật). Đại biểu đề nghị có thể sẽ sử dụng phương thức trưng mua hoặc trưng dụng theo quy định của pháp luật không nói chung chung là không được bán, chỉ được bán hoặc được hiến tặng mà không có chế tài thì khó có thể thực hiện được.
Duy Quang (Lược ghi)