BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Chuẩn bị chu đáo để đóng góp sâu một số dự án luật

Cập nhật ngày: 18/10/2011 - 05:00

 

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Lê Minh Trọng

Theo chương trình, kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc vào ngày mai 20.10.2011 tại Thủ đô Hà Nội. Trước lúc lên đường đi dự kỳ họp, ông Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tây Ninh đã dành cho Báo Tây Ninh cuộc trao đổi như sau:

- Thưa ông Trưởng đoàn ĐBQH, được biết chương trình làm việc của QH tại kỳ họp 2 có rất nhiều nội dung quan trọng; xin ông Trưởng đoàn cho biết những nội dung mà đoàn ĐBQH tỉnh ta sẽ tập trung tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp này?

Đồng chí Lê Minh Trọng: -Tại kỳ họp lần này Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 12 dự án luật. Trong đó đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm và dự kiến tập trung nghiên cứu để đóng góp sâu 4 dự án luật là: Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Cụ thể đối với dự thảo Luật Cơ yếu, các đại biểu thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia với đặc trưng là sử dụng kỹ thuật mật mã để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, không mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc bí mật Nhà nước. Các vị đại biểu thống nhất đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng, không trực thuộc Bộ Nội vụ để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là một ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung quản lý Nhà nước về cơ yếu của UBND các cấp. Bên cạnh đó, sẽ đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu như về tiêu chuẩn, độ tuổi; đồng thời, đề nghị bổ sung vào dự thảo một chương về khen thưởng và xử lý vi phạm.

Đối với dự án Luật Lưu trữ, về các hành vi bị cấm đề nghị bổ sung quy định về hành vi bị cấm như “Thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý tài liệu lưu trữ” và cần phải bổ sung phần chế tài nếu vi phạm các hành vi bị cấm. Về lưu trữ lịch sử chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử tại Trung ương và cấp tỉnh để phù hợp với thực tế quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính; có điều kiện tập trung nguồn lực, con người cũng như cơ sở vật chất, hiện đại hoá kho tàng, trang thiết bị làm việc, bảo quản, bảo đảm khai thác và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ, nhưng đồng thời có hướng giải quyết đối với lịch sử ở cấp huyện cả tài liệu lẫn biên chế con người.

Về Luật Khiếu nại, đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, theo đó công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được ghi nhận tại Điều 74 của Hiến pháp. Về khiếu nại đông người đề nghị cần quy định có tính nguyên tắc vấn đề khiếu nại đông người trong luật để làm căn cứ giao Chính phủ quy định cụ thể. Vì đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đã và đang xảy ra trên thực tế cần phải có quy định để làm cơ sở cho việc xử lý. Đồng thời, nhất trí với việc bổ sung vào dự thảo luật một số quy định về thụ lý các trường hợp khiếu nại nhiều người, trong đó có các hình thức khiếu nại như nhiều người khiếu nại cùng gửi chung đơn, nhiều người đến khiếu nại trực tiếp, địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại nhiều người và quyết định giải quyết khiếu nại nhiều người. Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cần phải tiếp tục cơ chế giải quyết khiếu nại như quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành. Đồng thời, cơ chế này phải có sự điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng công khai, dân chủ, nhất là tăng cường công tác đối thoại và kịp thời hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại như người khiếu nại được nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ…

Về Luật Tố cáo, về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo đề nghị được quyền giữ bí mật các thông tin cá nhân là quyền đương nhiên của người tố cáo và các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật cho người bị tố cáo trong mọi trường hợp, trừ trường hợp người tố cáo sẵn sàng công khai danh tính, trực diện đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội và quy định rõ trong luật, người tố cáo có quyền được thông báo về quá trình giải quyết tố cáo như nhận thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo khi vụ việc tố cáo được chuyển sang các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, kết quả giải quyết tố cáo... mà không cần phải có yêu cầu, quy định trách nhiệm bồi thường của người giải quyết tố cáo trong mọi trường hợp giải quyết tố cáo trái pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; đồng thời thống nhất với quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cần quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ người tố cáo nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người tố cáo thực hiện quyền của mình và cần chủ động bảo vệ người tố cáo ngay cả khi không có yêu cầu. Bên cạnh những vấn đề trên, một vấn đề khác trong các dự thảo luật còn lại cũng sẽ được Đoàn tham gia góp ý, phân tích thêm hoặc đề nghị làm rõ trước khi thông qua như dự án Luật Tần số vô tuyến điện, dự án Luật Viễn thông, dự án Luật Thuế nhà, đất.

Quang Nhàn

(thực hiện)