BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động tại huyện Châu Thành

Cập nhật ngày: 14/05/2012 - 11:34

(BTNO)- Ngày 14.5.2012, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh do ông Lê Minh Trọng-  Trưởng đoàn, ông Nguyễn Thành Tâm- Phó đoàn và ĐBQH Trịnh Ngọc Phương đã có buổi làm việc, giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại huyện Châu Thành. Tham gia đoàn giám sát có ông Nguyễn Văn Bênh- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan.

Báo cáo của UBND huyện Châu Thành cho thấy: Số lượng doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và số lao động tại các DN trên địa bàn huyện hàng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2009 toàn huyện có 110/111 DN ngoài quốc doanh, trong đó có 2 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FBI). Tổng số lao động trong các DN là 8.073 người, có 5.748 lao động tại các DN vốn FBI. Đến tháng 3.2012 có 181/182 DN, có 5 DN vốn FBI; tổng số lao động 10.691 người, có 7.813 lao động tại các DN vốn FBI. Về tổ chức Công đoàn, năm 2009 có 12/110 DN, trong đó 2/2 DN vốn FBI có tổ chức công đoàn; đến năm 2012 có 21/181 DN, trong đó có 4/5 DN vốn FBI có tổ chức công đoàn.

Đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo huyện Châu Thành

Hầu hết các DN đều thực hiện khá tốt các quy định về tuyển dụng, sử dụng lao động; chấp hành thời gian làm việc, làm thêm giờ, tăng ca, nghỉ chế độ; bảo đảm chế độ lương, phụ cấp, ăn giữa ca và bảo đảm vệ sinh an toàn lao động. Tuy nhiên, giữa các DN vẫn có sự khác biệt về chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ làm thêm giờ, tăng ca… dẫn đến tình trạng công nhân bỏ việc từ DN này sang làm cho DN khác; tình trạng đình công, lãn công vẫn còn xảy ra. Tình trạng người lao động do nhu cầu cần việc làm, khi “xin việc” không quan tâm đến những ràng buộc bất lợi cho mình khi ký kết hợp đồng, dẫn đến khi có sự việc xảy ra rất khó giải quyết và bảo vệ. Việc người lao động trong các DN tổ chức đình công chưa tuân theo nguyên tắc quy định, một bộ phận do tâm lý bị lôi kéo đình công, khi muốn trở lại làm việc gặp khó khăn. Vai trò của tổ chức Công đoàn chưa phát huy, chưa tập hợp được công nhân để tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Về phía huyện Châu Thành đã đề xuất một số ý kiến, kiến nghị đến đoàn giám sát: Cần có cơ chế phối hợp cụ thể trong việc quản lý các DN có vốn FBI thì huyện mới quản lý được; việc cấp phép thành lập DN cần có cơ chế chặt chẽ hơn; quy định cụ thể định mức tối thiểu cho bữa ăn giữa ca cho người lao động; khi các DN tuyển dụng lao động bắt buộc phải tổ chức học Luật Lao động; cần điều chỉnh quy định về quy trình tổ chức đình công.

Một số công nhân tham dự tại cuộc họp có ý kiến nên tăng mức quy định thời gian làm thêm giờ, nhưng phải có thù lao thoả đáng; thời gian nghỉ thai sản 6 tháng là phù hợp; tuổi lao động nữ tối đa là 55 tuổi.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Lê Minh Trọng- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: Cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền về Luật Lao động, nhất là những vấn đề khi ký kết hợp đồng gây bất lợi cho người lao động; làm rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong DN là tập hợp người lao động, xây dựng tình đoàn kết nhất trí cao để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của Luật Lao động; phải nắm và quản lý thật tốt các DN và người lao động, nhất là các DN nhỏ sử dụng ít lao động, hạn chế tối đa việc các DN sử dụng lao động là trẻ em; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phối hợp giữa tỉnh và huyện về việc quản lý nhà nước đối với DN và người lao động.

Khắc Luân