Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến người có công với Cách mạng
Thứ sáu: 03:20 ngày 31/07/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 290 về tình hình thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến người có công với Cách mạng.

Buổi làm việc của Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh ngày 30.7.2009.

Ngày 30.7, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 290 về tình hình thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến người có công với Cách mạng. Trước đó, ngày 28.7.2009 Đoàn đã có cuộc giám sát nội dung trên ở hai huyện Châu Thành và Trảng Bàng.

Về việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đang quản lý trên 35.000 người có công. Trong đó, chi trả trợ cấp thường xuyên cho 11.192 người và trợ cấp 1 lần cho 23.808 người, bao gồm: Cán bộ lão thành cách mạng 3 người; Cán bộ tiền khởi nghĩa 15 người; Thân nhân gia đình liệt sĩ và tuất từ trần 3.687 người, Bà mẹ VNAH 38 người; Anh hùng LLVT 5 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh 14.291 người; Bệnh binh 537 người; Người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hoá học (CĐHH) 130 người, con đẻ người bị nhiễm CĐHH 488 người; Người có công giúp đỡ Cách mạng 1.368 người.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, chế độ để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, đã giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, cùng với sự phát triển và chăm lo của cộng đồng, bản thân và gia đình đối tượng tự vươn lên, nếu hết đời sống gia đình người có công đã được nâng lên rõ rệt, đời sống đạt mức trung bình trở lên. Đồng thời, công tác cải cách hành chính trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ngày càng có tác dụng, giảm phiền hà đáng kể cho gia đình đối tượng trong việc chi trả chế độ chính sách, công tác tuyên truyền phổ biến được duy trì và được sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với công tác thương binh liệt sĩ và người có công.

Tuy nhiên, việc thực hiện những chính sách này còn gặp khó khăn như: hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ, tù đày còn tồn đọng do các đối tượng phải có giấy tờ gốc, giấy tờ có liên quan làm cơ sở xem xét, nhưng thực tế các đối tượng không còn giấy tờ gốc, một phần do lúc đó họ chỉ biết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, không cần đền ơn, nên không lưu giữ các giấy tờ gốc; có nhiều trường hợp không còn người ở chung đơn vị, chỉ có 1 hoặc 2 người biết, nên việc hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ, xét duyệt, đề nghị công nhận không thể thực hiện được chính xác, kịp thời, đúng quy định; cộng với việc xác nhận hồ sơ tồn đọng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp do chiến tranh lâu dài, ác liệt nên việc lưu trữ các loại giấy tờ gốc của đối tượng hầu như không còn. Bên cạnh đó, tỉnh chưa tổ chức thực hiện được việc khám phúc quyết theo yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của thương binh có vết thương tái phát, nên không giải quyết kịp thời quyền lợi cho các đối tượng; đối với các đối tượng thương binh, bệnh binh có vết thương thấu não, khuyết sọ não, vết thương thấu phổi, thấu gan, cắt đoạn ruột, cắt thận… từ khi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 17 thì lại chưa được trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho những đối tượng này.

Về việc thực hiện Quyết định 290 và Quyết định 188, toàn tỉnh đã tổ chức đăng ký ban đầu là 4.884 trường hợp, trong đó Bộ Quốc phòng giải quyết 2.644 hồ sơ, Bộ Công an 376 hồ sơ, ngành Lao động TBXH 1.864 hồ sơ. Đến nay đã tổ chức xét duyệt hồ sơ và chi trả chế độ được 5.834 hồ sơ, đã tổ chức chi trả 3.309 hồ sơ, chờ cấp thẩm quyền cấp kinh phí là 1.719 hồ sơ, chờ thông qua Ban chỉ đạo 290 là 855 hồ sơ. Việc thực hiện hai Quyết định này đáp ứng được nguyện vọng của các đối tượng tham gia kháng chiến, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với các đối tượng chính sách và nhận được sự đồng tình của nhân dân. Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 290 của tỉnh gồm 19 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và các huyện, thị xã đều thành lập Ban chỉ đạo, ở xã, phường thì có Hội đồng chính sách (HĐCS). Chính sách này được triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả; các cơ quan truyền thông các cấp đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nắm rõ chính sách của Nhà nước đối với người có công. Quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 3 đợt kiểm tra ở 9 huyện, thị xã và 28 Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn để kịp thời giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn, tồn tại như: Bước đầu cấp uỷ, chính quyền một số địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ và thống nhất; HĐCS một số nơi triển khai chậm, còn nhiều sai sót, chưa phát huy tốt vai trò tham mưu của cơ quan chức năng địa phương; cán bộ làm công tác chính sách có lúc, có nơi không ổn định, thiếu kinh nghiệm, trình độ hạn chế nên không nắm được nội dung để hướng dẫn cho đối tượng và không biết hồ sơ đúng hay sai; các đối tượng không còn giấy tờ gốc, giấy tờ có liên quan; công tác kiểm tra, giám sát của BCĐ huyện, thị còn ít, chưa kịp thời chỉ ra những yếu kém để khắc phục; việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng 290 còn chậm; chưa khảo sát về đời sống hiện nay của đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là hiện còn trên 300 trường hợp sĩ quan cấp chuẩn uý đến đại uý, hấu hết đã trãi qua kháng chiến chống Mỹ, vì nhiều lý do khác nhau, tự trở về gia đình trong khoảng thời gian từ năm 1977 – 1989 nên chưa được hưởng chế độ theo QĐ 290 (thời gian hưởng theo QĐ 290 là về gia đình trước 31.12.1976)…

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 290 đã kiến nghị Đoàn ĐBQH nhiều vấn đề về cơ chế chính sách cho các đối tượng chính sách đặc biệt là chế độ chính sách cho cán bộ cấp xã thực hiện công tác lao động TBXH và hướng tháo gỡ đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc cũng không tìm được người xác nhận… Thay mặt Đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tây Ninh ghi nhận các kiến nghị, đồng thời đề nghị các cấp các ngành tiếp tục thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, không để cho các đối tượng chính sách rơi vào nghèo đói, Ban chỉ đạo 290 tiếp tục có giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại và đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ tồn đọng cho các đối tượng…

KIM CHI

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục