Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh do ông Lê Minh Trọng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu.
(BTN)- Ngày 18.9.2012, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tiến hành giám sát về thực hiện các quy định pháp luật về cho thuê đất, giao đất làm dự án trên địa bàn tỉnh. Đoàn do ông Lê Minh Trọng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã đến làm việc với UBND huyện Gò Dầu.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH làm việc với UBND huyện Gò Dầu |
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu cho biết, căn cứ Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, huyện Gò Dầu đã triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, trong đó có đất sử dụng vào mục đích làm dự án sản xuất, kinh doanh. Kết quả về đất nông nghiệp, kế hoạch duyệt năm 2006 là 20.591,53 ha, đến năm 2010 có diện tích là 21.753,43 ha. Sở dĩ diện tích đất nông nghiệp cao hơn kế hoạch sử dụng đất được duyệt là do huyện đã tiến hành đo đạc chính quy 9/9 xã, thị trấn và thống kê đất đại trong kỳ kiểm kê năm 2010. Đất phi nông nghiệp, kế hoạch được phê duyệt là 4.478,39 ha, đến năm 2010 thực hiện được 4.237,41ha, đạt 94,62%. Các loại đất thực hiện chưa đạt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra như: Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất cơ sở y tế, giáo dục, thể dục thể thao, chợ; đất bãi thải xử lý chất thải. Một số loại đất vượt chỉ tiêu đề ra như: Đất quốc phòng, an ninh, đất giao thông, thuỷ lợi, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở văn hoá… Về đất ở, kế hoạch được duyệt là 1.151,71 ha, đã thực hiện được 1.072,95 ha, đạt 93,16% so kế hoạch. Đất chuyên dùng, kế hoạch được duyệt là 2.606,25 ha đã thực hiện được 2.500,47 ha, đạt 95,93%. Đất chưa sử dụng vẫn còn 7,76 ha tại khu vực thị trấn Gò Dầu.
Về tình hình giao đất, cho thuê đất, tính từ năm 2006 đến năm 2011, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành 27 quyết định giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức thực hiện dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Gò Dầu, với tổng diện tích là 87.107.961,68m2. Trong đó có 3 quyết định giao đất có thu tiền sử dụng, còn lại 24 quyết định cho thuê đất. Tính đến cuối năm 2011, có 2 dự án chấp hành tốt các quy định của Luật Đất đai, sử dụng đất đúng mục đích, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và sử dụng đất có hiệu quả; 6 dự án thực hiện không đúng mục đích đất được giao; 2 dự án chưa tiến hành xây dựng; 2 dự án triển khai thực hiện nhưng tiến độ chậm.
Nhìn chung việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân để đầu tư làm dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Gò Dầu đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển; góp phần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Tuy nhiên cùng với những mặt được, còn có những mặt đáng quan tâm là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Các ngành nghề đầu tư trên địa bàn huyện Gò Dầu chủ yếu là chế biến nông sản và may mặc, ngành công nghệ cao chưa phát triển. Hệ thống văn bản pháp luật về đất đai do Nhà nước ban hành tương đối hoàn chỉnh, nhưng lại được quy định ở nhiều văn bản, nội dung rộng lớn, một số từ ngữ khó hiểu và tính ổn định không cao, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung hoặc huỷ bỏ, nên gặp không ít khó khăn khi triển khai. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư vào để thực hiện dự án thì lại lựa chọn vị trí đất không theo như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Tại buổi làm việc, UBND huyện Gò Dầu cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ: Về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ thực hiện ở cấp huyện, không thực hiện ở cấp xã, thị trấn. Về thời hạn sử dụng đất đối với đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nên đưa vào nhóm đất sử dụng ổn định lâu dài. Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tối đa là 10 ha (hiện nay 6 ha). Đối với việc thực hiện giải toả bồi thường đất đai để làm khu kinh tế, khu công nghiệp đề nghị xem xét cho phép nhà đầu tư tự thoả thuận với người dân… Khi Luật ban hành thì các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng cần được ban hành kịp thời để địa phương cơ sở dễ áp dụng. Việc thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức để xây dựng các công trình, trụ sở nên phân cấp cho cấp huyện thực hiện, vì diện tích đất giao không lớn, hồ sơ giải quyết nhanh hơn. Đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung danh mục Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp đất do Nhà nước quy hoạch, đền bù, giải toả tạo quỹ đất sạch để đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất sử dụng vào mục đích khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) để huyện vừa có căn cứ pháp lý, vừa chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện.
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất kiến nghị của UBND huyện Gò Dầu, các thành viên trong Đoàn giám sát yêu cầu lãnh đạo huyện Gò Dầu làm rõ thêm một số nội dung về việc giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện trong thời gian qua, mà trong báo cáo chưa thể hiện được. Ông Lê Minh Trọng- Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc đã nhấn mạnh, huyện Gò Dầu đất hẹp người đông, nên khi giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải nghiên cứu cho kỹ, tính toán cho phù hợp, tránh để lãng phí đất đai. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng nêu lên những vấn đề huyện cần lưu ý trong việc cho thuê đất, giao đất làm dự án; đồng thời ghi nhận các đề xuất kiến nghị của UBND huyện Gò Dầu.
D.H