BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Châu Thành

Cập nhật ngày: 13/01/2016 - 05:07

Đoàn cũng có buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành cùng các ban, ngành có liên quan của huyện và UBND các xã về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Quyền Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành.

Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành thì trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức triển khai quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện 19 tiêu chí NTM, bao gồm nội dung thực hiện cụ thể và đánh giá, công nhận đạt yêu cầu đối với từng tiêu chí, hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM  trên địa bàn huyện đạt được những kết quả khá tốt. Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện khá chặt chẽ. Ban chỉ đạo huyện và các xã được củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia và có các hình thức tuyên truyền phù hợp với ngành của mình, từ đó nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được nâng cấp cũng như đầu tư xây dựng mới; năng suất, sản lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cấp xã ngày càng hiệu quả hơn; tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên. Hiện có 2 xã đang đề nghị xét công nhận đạt chuẩn xã NTM.

Về kết quả tác động qua lại giữa quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, theo Ban chỉ đạo huyện Châu Thành, hiện nay nhiệm vụ tái cơ cấu ngành được tập trung triển khai thực hiện, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi chủ lực tăng cao hơn so với những năm trước.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước ổn định, an toàn dịch bệnh được đảm bảo, mô hình sản xuất theo hướng liên kết 4 nhà trên cây lúa cũng được chỉ đạo tiếp tục thực hiện, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân, như giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Song song đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tạo sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện. Từ đó tạo sự thông thương, đi lại dễ dàng, giúp người dân thuận tiện, tiết kiệm chi phí trong thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; hệ thống thủy lợi, điện lưới quốc gia góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng đất...

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành báo cáo kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM với đoàn giám sát.

Tuy nhiên, huyện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình: chưa xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy hoạch riêng của huyện; việc huy động vốn trong doanh nghiệp và nhân dân gặp nhiều khó khăn, không đủ vốn đối ứng; quy hoạch của một số xã chất lượng chỉ đạt trung bình; đề án nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, văn hoá, bảo vệ môi trường, thiếu giải pháp thực hiện.

Nguyên nhân hạn chế được xác định là do Châu Thành là huyện nông thôn, biên giới, tỷ lệ thu ngân sách không đảm bảo chi, phải nhờ trợ cấp của cấp trên nên nguồn vốn đầu tư rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn cho  xây dựng NTM của các xã rất lớn, vượt quá khả năng của ngân sách huyện. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp không đáng kể vì trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, đời sống nhân dân còn khó khăn. Một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của nhà nước. Trong cùng một lúc đơn vị tư vấn phải tư vấn cho nhiều xã, trong khi trình độ, năng lực của cán bộ, công chức xã không đủ tầm để định hướng cho quy hoạch.

Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời đề nghị UBND huyện Châu Thành quan tâm chỉ đạo ráo riết để đạt mục tiêu đề ra của chương trình; nghiên cứu kỹ các cơ chế chính sách để thực hiện, đưa chính sách đến với người dân làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; chú trọng thực chất để khi các xã được công nhận đạt chuẩn phải tự giữ vững được các tiêu chí...  

Kim Chi