BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Góp ý Dự án Luật Trọng tài thương mại

Cập nhật ngày: 01/04/2010 - 05:32

Chuẩn bị cho các dự án luật sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội XII, ngày 29.3.2010, Đoàn ĐBQH tỉnh họp góp ý dự thảo Luật Trọng tài thương mại (TTTM).

Dự thảo Luật TTTM trình Quốc hội lần này gồm 13 chương, 81 điều. Các vị ĐBQH tập trung đóng góp vào các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: Về tên gọi của dự thảo luật là Luật Trọng tài hay Luật Trọng tài thương mại, các đại biểu đề nghị tên gọi của luật này được quyết định bởi phạm vi điều chỉnh của luật và phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài. Như vậy, với phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài được quy định trong luật này là những tranh chấp phát sinh chủ yếu từ hoạt động thương mại nên lấy tên gọi Luật Trọng tài thương mại là phù hợp và cũng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan; về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), các đại biểu đề nghị “luật này quy định về thẩm quyền của trọng tài, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của toà án đối với hoạt động trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài”.

Đoàn ĐBQH thảo luận góp ý dự án Luật Trọng tài thương mại

Vấn đề được các đại biểu quan tâm tập trung thảo luận nhiều nhất là phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại (Điều 2): Vấn đề này theo báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hiện có 3 loại ý kiến khác nhau. Qua nghiên cứu, đa số các vị ĐBQH nhất trí với ý kiến đề nghị Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có liên quan đến hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác.

Các vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng ý kiến này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của hoạt động trọng tài ở nước ta hiện nay – đội ngũ trọng tài viên của Việt Nam chưa đủ khả năng để có ưu thế cạnh tranh với các trọng tài viên của nước ngoài, nên nếu mở rộng thẩm quyền vượt quá khả năng của các Trung tâm trọng tài và trọng tài viên Việt Nam thì khó có thể tập trung các điều kiện để củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các Trung tâm trọng tài và trọng tài viên Việt Nam (có 3/7 Trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết được vụ việc nào). Uy tín chuyên môn của các Trung tâm trọng tài chưa cao, nhất là trong việc phán quyết các tranh chấp phát sinh có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài giải quyết cả các tranh chấp về dân sự.

 Về quản lý nhà nước về trọng tài (Điều 15) các đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp có trách nhiệm quản lý nhà nước về trọng tài, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và các cơ quan tư pháp địa phương giúp Bộ Tư pháp quản lý hoạt động trọng tài trên địa bàn; không giao trách nhiệm quản lý nhà nước về trọng tài cho Trung tâm trọng tài. Nhưng việc thực hiện chức năng bồi dưỡng, đào tạo trọng tài viên thì giao cho Trung tâm trọng tài, Hiệp hội trọng tài được toàn quyền tự chủ trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên cho tổ chức mình mà không giao cho Bộ Tư pháp để tăng cường tính cạnh tranh giữa các Trung tâm trọng tài.

Vấn đề có nhiều ý kiến băn khoăn là về tiêu chuẩn trọng tài viên (Điều 20), tại điểm b khoản 1, đại biểu thống nhất quy định trọng tài viên là người phải có trình độ đại học pháp lý và trình độ đại học chuyên ngành, đã qua thực tế từ 5 năm trở lên; các đại biểu đề nghị bỏ quy định ở Điểm c, Khoản 1“Trường hợp đặc biệt là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản này cũng có thể được chọn làm trọng tài viên”… vì các đại biểu cho rằng khó có thể đánh giá được ai là chuyên gia có trình độ cao, không có cơ sở pháp lý rõ ràng để đánh giá và do phán quyết của trọng tài là chung thẩm có hiệu lực ngay nên các tiêu chuẩn trọng tài cần phải được quy định cụ thể rõ ràng.

 Về phạm vi trách nhiệm của trọng tài viên (Điều 22), các đại biểu đề nghị trọng tài viên phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình cả trong trường hợp do lỗi cố ý và lỗi vô ý cho dù trọng tài viên được các bên lựa chọn để giải quyết vụ tranh chấp trong một vụ việc phải là người có uy tín, được hai bên tín nhiệm, tin tưởng lựa chọn và trong giải quyết trọng tài, trọng tài viên một mặt phải tôn trọng sự thoả thuận của các bên, mặt khác phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật có liên quan bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.  Nhưng phán quyết của trọng tài viên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên (có thể một bên bị phá sản…) nên phải chịu trách nhiệm cả khi bị mắc lỗi vô ý. Và do việc xác định lỗi vô ý và cố ý cũng khó thực hiện trên thực tế.

Vấn đề mới có tính chất đột phá trong dự thảo là về quy định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 48), các đại biểu thống nhất với quy định Hội đồng trọng tài cũng có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm cho việc giải quyết tranh chấp thương mại có hiệu quả, nhưng đề nghị bổ sung nội dung quy định về hậu quả pháp lý xảy ra khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài…

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý một số điều luật cụ thể khác…

Kim Chi