Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 21.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 21.5
Góp ý dự thảo Luật Đường bộ, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các quy định có liên quan đến biển tuyên truyền (quy định tại Điều 18 - Xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo và tuyên truyền) để cân bằng giữa biển quảng cáo và biển tuyên truyền phù hợp tình hình thực tế, như: bổ sung khái niệm biển tuyên truyền gồm các loại biển nào; biển tuyên truyền được lắp đặt tại các vị trí nào; điều kiện lắp đặt biển tuyên truyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Vì theo Đoàn ĐBQH tỉnh, tại tiêu đề của Điều 18 thể hiện có 2 loại biển là biển quảng cáo và biển tuyên truyền, tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung điều luật này có đến 4 khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) đề cập về biển quảng cáo bao gồm: khái niệm biển quảng cáo; vị trí lắp đặt biển quảng cáo; các yêu cầu để lắp đặt biển quảng cáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo…
Trong khi đó, biển tuyên truyền thì chỉ quy định ngắn gọn tại khoản 5, cũng không thể hiện được biển tuyên truyền là những loại biển nào, có sự khác biệt với biển quảng cáo hay không và biển tuyên truyền được lắp đặt tại các vị trí nào, có được lắp đặt tại các vị trí giống như biển quảng cáo.
Tại Điều 32 - Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tại Khoản 4 dự thảo, bổ sung cụm từ “thì tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật ”.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ.
Cụ thể, điều chỉnh: “Tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác vi phạm Giấy phép thi công, gây ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng người tham gia giao thông; gây hư hỏng, huỷ hoại công trình đang khai thác, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật”.
Để bảo đảm quy định được chặt chẽ, bám sát theo từng lĩnh vực, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung cụm từ “trong lĩnh vực đường bộ” tại điểm C, khoản 2, Điều 38 -Phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Cụ thể: “Chính quyền địa phương, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ theo quy định của pháp luật về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái và các vị đại biểu Quốc hội Tây Ninh tham dự phiên họp.
Tại khoản 3, Điều 43 - Thanh toán điện tử giao thông, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định chi tiết loại đường nào thu phí không dừng, loại đường nào thu một dừng.
Còn tại Điểm a, khoản 1, Điều 48- Mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá đường cao tốc, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi yếu tố “năng lực khai thác” bằng một định lượng cụ thể vào điều luật.
Vì theo Đoàn ĐBQH tỉnh, quy định năng lực khai thác là một yếu tố rất chung chung không thể đánh giá được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông hằng ngày trên đường bộ để làm cơ sở cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc mà có thể đưa ra một con số, một định lượng cụ thể là số lượng xe lưu thông trên đường hằng ngày chiếm số lượng lớn trong khi đường bộ không đủ diện tích để lưu thông, gây ùn tắc, kẹt xe… từ đó làm ảnh hưởng đến giá trị phát triển kinh tế - xã hội, an toàn giao thông cho con người.
Tố Tuấn (lược ghi)