BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Góp ý Dự thảo Luật thi hành án hình sự

Cập nhật ngày: 20/11/2009 - 05:40

 

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thuỷ (đứng) đang phát biểu.

Ngày 20.11.2009, Quốc hội thảo luận dự án Luật thi hành án hình sự. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ và đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, Đoàn ĐBQH Tây Ninh có ý kiến cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Tuy nhiên về phạm vi điều chỉnh, bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật thi hành án hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ còn băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một số nội dung cụ thể như: Cần bổ sung từ “răn đe” trước từ “giáo dục, phòng ngừa” (khoản 5, Điều 3). Lý do việc thi hành hình phạt tử hình ngoài mục đích trừng trị người phạm tội còn có tác dụng răn đe người khác phạm tội, đồng thời còn mang tính giáo dục, phòng ngừa chung và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Về chế độ ăn, ở đối với phạm nhân (Điều 52), đại biểu Thuỷ cho là không nên nêu quá chi tiết mà để Chính phủ có văn bản dưới Luật quy định cụ thể.

Về chế độ đối với phạm nhân có thai (Điều 66), đại biểu đề nghị vì lợi ích của thai nhi và trẻ sơ sinh, Luật nên quy định, ưu tiên hơn về tiêu chuẩn, định lượng ăn của phạm nhân trong thời gian có thai và nghỉ đẻ so với phạm nhân lao động bình thường và bằng phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại. Về giải quyết việc người bị thi hành hình phạt tử hình hiến mô, ghép bộ phận cơ thể hoặc hiến xác (Điều 77), đại biểu đề nghị cần làm rõ về tính tự nguyện. Về nghĩa vụ của người bị phạt cải tạo không giam giữ, đại biểu Thuỷ đề nghị thêm trường hợp “bằng miệng (đối với người không biết chữ)” sau cụm từ “báo cáo bằng văn bản”. Lý do trong thực tế vẫn còn có người không biết chữ, nếu buộc họ báo cáo bằng văn bản là không khả thi.

Về cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, các đại biểu thống nhất quy định Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai còn băn khoăn Luật giao nhiệm vụ và quyền hạn của công an xã một số quyền hạn cụ thể trái với quy định Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…

ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai đang phát biểu.

vì công an xã không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ là một bộ phận giúp việc, tham mưu cho UBND và thực hiện nhiệm vụ do UBND xã giao. Đại biểu Mai đề nghị xem lại chế độ quản lý, giáo dục cải tạo, đối với phạm nhân là người chưa thành niên (Điều 60) cần quy định cụ thể trong Luật là nơi nào có đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì mới thực hiện nhiệm vụ giáo dục, quản lý phạm nhân tuổi vị thành niên. Về việc hiến mô, bộ phận cơ thể, xác của người bị thi hành hình phạt tử hình cho mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, theo đại biểu Mai cần cân nhắc kỹ vì tập quán của người Việt Nam khi chết thì thi hài phải còn nguyên vẹn. Đại biểu cho rằng điều này cần được làm rõ trong Luật là lấy bộ phận cơ thể trước khi tử hình. Cần xem xét để có quy định rõ ràng về khu giam giữ và bố trí giam giữ là lấy mức án hay lấy tính chất phạm tội của phạm nhân để giam chung hay là giam riêng (Điều 38). Vấn đề phạm nhân chết trong trại giam hoặc chết trong bệnh viện thì xử lý như thế nào Luật cũng phải quy định rõ. Mặt khác vấn đề mai táng, chôn cất, khai tử phạm nhân cũng phải được quy định rõ trong Luật là cơ quan nào làm thủ tục trên.

Tại Điều 73, Chương 5 Về thi hành hình phạt tử hình (Điều 73). Đại biểu Mai đề nghị Luật chọn một trong hai hình thức, không nên đưa cả hai vào Luật, nếu Luật quy định tiêm thuốc độc thì phải có quy định hình thức, người tổ chức thực hiện rõ ràng. Đại biểu Thuỷ đồng ý với dự thảo Luật là áp dụng hai hình thức hình phạt tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc, nhưng Luật cần phải quy định cụ thể trình tự, thủ tục hình thức sử dụng tiêm thuốc độc. Theo đại biểu Thuỷ, trong trường hợp đặc biệt cần trấn áp mạnh mẽ tội phạm khi đất nước có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, hoặc khi có nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì vẫn áp dụng hình thức xử bắn.

Quang Nhàn

(Lược ghi)