BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Góp ý kiến các dự án luật sắp thông qua Quốc hội trong kỳ họp tới

Cập nhật ngày: 14/09/2009 - 05:27

Phó trưởng đoàn đại biểu QH Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu trong một buổi tiếp xúc cử tri.

Để chuẩn bị các dự án luật thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII (dự kiến khai mạc vào ngày 20.10.2009) Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tây Ninh đã tổ chức họp Đoàn góp ý kiến đối với 2 dự án luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và Luật Người cao tuổi.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Về tên gọi các đại biểu thống nhất tên gọi trên vì tên gọi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là thông điệp nhằm đáp ứng mong muốn của cử tri và ĐBQH về việc chấn chỉnh và giải quyết được các bức xúc hiện nay như tình trạng quá tải ở các bệnh viện, y đức của cán bộ y tế xuống cấp, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân là người có tiền với người nghèo, lạm dụng thuốc và xét nghiệm...

Về quy định cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân, các đại biểu thống nhất chọn ý kiến là đề nghị quy định theo hướng cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài giờ, nhưng không được thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả các loại cơ sở KCB tư nhân, tuy nhiên cần quy định lộ trình cho phù hợp. Quy định sẽ tạo ra ranh giới pháp lý rõ ràng giữa y tế Nhà nước và y tế tư nhân, cho phép cán bộ y tế tiếp tục làm ngoài giờ theo hợp đồng với các cơ sở KCB tư nhân để tận dụng chất xám, đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân, đồng thời sẽ tránh tình trạng lạm dụng các bệnh viện của Nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân.

Các đại biểu đề nghị định hướng lộ trình tiến tới việc hành nghề KCB công, tư rõ ràng vào năm 2015 không nên kéo dài đến 2020; về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, các đại biểu thống nhất đề nghị việc cấp lại chứng chỉ hành nghề là 5 năm/1 lần, vì nghề này liên quan đến mạng sống của con người nên thông qua việc định kỳ cấp lại chứng chỉ, có thể chuẩn hoá việc người hành nghề y phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, giữ gìn y đức, cập nhật kiến thức trong từng thời gian nhất định và là động lực để cán bộ y tế khẳng định khả năng chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động KCB; về thẩm quyền cấp chứng chỉ và giá trị của chứng chỉ hành nghề, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cấp cho cán bộ y tế ở các cơ sở y tế do Bộ quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề KCB tại Việt Nam, giám đốc Sở Y tế cấp cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở và chứng chỉ có giá trị toàn quốc; về cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB, các đại biểu thống nhất quy định cấp giấy phép hoạt động cho cả cơ sở y tế công và tư là đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ sở KCB của Nhà nước với cơ sở KCB tư nhân. Đối với các cơ sở KCB công chưa đủ tiêu chuẩn sẽ thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định; về vấn đề xã hội hoá trong các bệnh viện công, các đại biểu thống nhất cần quy định mang tính nguyên tắc xã hội hoá hoạt động KCB, vì các bệnh viện công đang được khuyến khích thực hiện chủ trương xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực phục vụ KCB, chia sẻ gánh nặng về KCB với Nhà nước và cải thiện đời sống cán bộ y tế; về hệ thống tuyến y tế trong khám chữa bệnh, các đại biểu thống nhất chọn phương án cần quy định tuyến y tế từ Trung ương đến xã cũng là căn cứ để phân bổ nguồn lực, đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu KCB ở các mức độ khác nhau của người dân và tạo cơ sở pháp lý quy định nghĩa vụ của cơ sở y tế tuyến trên phải chỉ đạo và hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Đồng thời, ý kiến này đề nghị ghi rõ tuyến y tế tương đương giữa Nhà nước và tư nhân, cũng như quy định rõ mối quan hệ giữa chuyên môn kỹ thuật và quản lý hành chính nhà nước; về lộ trình thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề KCB và cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở KCB, các đại biểu thống nhất Luật KCB có hiệu lực từ ngày 1.1.2011 để ngành Y tế có đủ thời gian chuẩn bị cho cơ sở vật chất, phương tiện.

Đối với dự án Luật Người cao tuổi: Về phạm vi điều chỉnh và độ tuổi xác định người cao tuổi, các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là chỉ quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không quy định đối với người cao tuổi là người nước ngoài để phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi ở nước ta cũng như khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước và các điều kiện khác nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật; tán thành quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi, không phân biệt tuổi già của nam và tuổi già của nữ hoặc phân biệt theo nông thôn, đô thị và độ tuổi xác định người cao tuổi không thể đồng nhất với tuổi nghỉ hưu; về hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi, các đại biểu tán thành việc Luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Để phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết cho các đối tượng người cao tuổi cũng như mức độ giảm giá, lĩnh vực được hỗ trợ; về xác định đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đề nghị quy định độ tuổi được hưởng chế độ bảo trợ xã hội là 80 tuổi và được hưởng các chính sách như nhau, không phân biệt điều kiện kinh tế của bản thân người cao tuổi vì chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội. Trong thực tế số người thọ trên 85 tuổi không nhiều, thời gian hưởng chế độ trợ cấp xã hội là không dài, do đó, độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội 80 tuổi là phù hợp; về Hội Người cao tuổi Việt Nam, các đại biểu đề nghị không nên quy định về các cấp Hội trong Luật mà để Điều lệ Hội quy định; về kinh phí hoạt động của Hội Người cao tuổi, đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động chứ không bảo đảm kinh phí hoạt động cho Hội, vì với điều kiện hiện nay và trong thời gian tới Hội Người cao tuổi không thể có khả năng tự bảo đảm ngân sách cho hoạt động của Hội. Để tiếp tục phát huy được vai trò của Hội Người cao tuổi trong xã hội thì Chính phủ và chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí và các điều kiện hoạt động phù hợp với tính chất của Hội.

KIM CHI