BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Ngân hàng Nhà nước phải là cơ quan trực thuộc Quốc hội (*)

Cập nhật ngày: 16/04/2010 - 05:30

Tiếp tục góp ý các dự án luật để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức thảo luận, góp ý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi).

Các đại biểu góp ý một số nội dung cụ thể như: Các đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật chưa thể hiện rõ vị trí pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, đề nghị xây dựng NHNN theo hướng Ngân hàng Trung ương hiện đại, là cơ quan độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật; không thuộc cơ quan của Chính phủ mà phải là cơ quan trực thuộc Quốc hội; về thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG), các đại biểu thống nhất việc quyết định mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội do Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với quá trình thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Đồng thời, để bảo đảm cho CSTTQG được thực hiện một cách linh hoạt, dựa trên mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, Quốc hội cần uỷ quyền bằng các quy định của luật này cho Chính phủ và trực tiếp là NHNN chủ động sử dụng các công cụ để thực hiện CSTTQG, trong đó NHNN được trao nhiệm vụ điều hành cụ thể các công cụ chính sách tiền tệ (lãi suất cho vay tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, dự trữ bắt buộc, tỷ giá, nghiệp vụ thị trường mở…) để thực hiện được mục tiêu của chính sách tiền tệ như Quốc hội quyết định.

Về vấn đề đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các TCTD, các đại biểu cho rằng NHNN phải thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các TCTD có phần vốn Nhà nước; về vấn đề NHNN góp vốn để thành lập các doanh nghiệp khác, các đại biểu cho là không nên, trừ trường hợp NHNN cần góp vốn thành lập những doanh nghiệp đặc thù để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN như thành lập Nhà máy in tiền quốc gia. Về cơ chế tài chính và chế độ đối với cán bộ công chức của NHNN (Điều 10), các đại biểu đề nghị cân nhắc cơ chế tài chính và chế độ đối với cán bộ công chức của NHNN, đề nghị giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, tính toán để đảm bảo sự tương quan chung với cán bộ, công chức các ngành khác; về lãi suất (Điều 13), các đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp về mặt hành chính đối với các tổ chức tín dụng, còn vấn đề lãi suất, tái cấp vốn đề nghị để các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về mục tiêu hoạt động của NHNN và chính sách tiền tệ quốc gia (Điều 3); nguyên tắc quản lý tiền gửi Kho bạc Nhà nước (Điều 28); dự trữ ngoại hối Nhà nước (Điều 33); tính minh bạch và trách nhiệm giải trình (Điều 41), đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng (Điều 53 và Điều 57); về quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và một số điều luật cụ thể khác như: việc thiết kế mệnh giá, kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của tiền phải trình Quốc hội quyết định thay cho trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, để tránh tình trạng bất cập như vụ tiền Polimer vừa qua; đồng thời, bổ sung hành vi bị cấm làm tiền hàng mã có hình dáng, kích thước giống như tiền thật do Ngân hàng Nhà nước phát hành…

Kim Chi

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt